Các bước tự bảo vệ mình khi bị người khác cố ý gây thương tích

Rate this post

Khi gặp phải tình huống bị người khác cố ý gây thương tích, việc bảo vệ bản thân cả về thể chất lẫn pháp lý là vô cùng quan trọng. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân có thể hoảng loạn và không biết phải làm gì để đảm bảo an toàn cho mình cũng như bảo vệ quyền lợi trước pháp luật. Hiểu rõ các bước cần thực hiện khi đối mặt với tình huống này sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ tổn hại, đồng thời tạo cơ sở vững chắc để theo đuổi quyền lợi hợp pháp của mình sau này. Hãy cùng tìm hiểu những bước cơ bản để tự bảo vệ bản thân trong trường hợp này.

Các bước tự bảo vệ mình khi bị người khác cố ý gây thương tích

 

I/ SƠ CỨU & BẢO VỆ HIỆN TRƯỜNG:

1. Sơ cứu vết thương:

  • Cầm máu vết thương: Nếu vết thương chảy máu, việc đầu tiên là dùng băng gạc hoặc khăn sạch ép nhẹ lên vết thương, giữ chặt đến khi máu ngừng chảy.
  • Vệ sinh vết thương: Rửa vết thương bằng nước sạch hoặc muối sinh lý để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn. Tránh sử dụng các chất sát trùng mạnh nếu không có hướng dẫn y tế.
  • Băng bó vết thương: Sau khi làm sạch vết thương, dùng băng gạc hoặc vải sạch để băng bó vết thương. Nếu có dấu hiệu chấn thương nghiêm trọng (như gãy xương, vết thương sâu…) thì hạn chế di chuyển nạn nhân và gọi cấp cứu.

2. Bảo vệ hiện trường:

Nạn nhân có thể tự mình (nếu vết thương nhẹ) hoặc nhờ những người xung quanh chứng kiến sự việc cố ý gây thương tích để thực hiện các biện pháp bảo vệ hiện trường như sau:

  • Hạn chế di chuyển đồ vật tại hiện trường: Sau khi sự việc xảy ra, không di chuyển vị trí các đồ vật tại hiện trường (trừ trường hợp việc di chuyển là bắt buộc để tránh ách tắc giao thông hoặc tránh các thiệt hại khác) cho đến khi các cán bộ công an có mặt tại hiện trường. Các vật chứng tại hiện trường có thể là chứng cứ quan trọng phục vụ cho công tác điều tra.
  • Ghi nhận thông tin: Nếu có thể, hãy ghi nhớ và lưu lại các thông tin liên quan đến vụ việc như thời gian, địa điểm xảy ra sự việc, thông tin cá nhân, nhân dạng của người gây thương tích và nhân chứng (nếu có).
  • Chụp ảnh hoặc quay video: Sử dụng điện thoại để chụp ảnh, quay video lại hiện trường vụ việc, các vết thương, tài sản và bất kỳ vật chứng nào (như hung khí, phương tiện…).

II/ BÁO SỰ VIỆC VỚI CƠ QUAN CÔNG AN:

  • Báo ngay cho công an cấp xã để bảo vệ hiện trường: Khi sự việc xảy ra, trước tiên bạn cần báo sự việc cho công an xã/phường/thị trấn nơi xảy ra sự việc hoặc nơi bạn cư trú. Sau khi tiếp nhận tin báo, công an xã/phường/thị trấn sẽ đến nơi xảy ra sự việc để giữ an toàn trật tự, bảo vệ hiện trường, thu thập vật chứng, lời khai và lập biên bản sự việc xảy ra. Nếu sự việc nghiêm trọng, có dấu hiệu hình sự thì công an xã/phường/thị trấn có thể báo cáo sự việc cho công an cấp huyện để tiến hành điều tra, giải quyết theo quy định.
  • Làm đơn tố cáo trực tiếp công an cấp huyện: Nếu sự việc nghiêm trọng bạn có thể làm đơn tố cáo trực tiếp đến công an cấp huyện. Trong đơn cần nêu rõ các thông tin họ tên, địa chỉ, số điện thoại của bạn, thời gian, địa điểm xảy ra vụ việc, mô tả chi tiết diễn biến, hành vi cố ý gây thương tích, thông tin cá nhân của người gây án (nếu có), yêu cầu cơ quan công an điều tra, xử lý những vấn đề gì… Đính kèm theo đơn tố cáo là những tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho hành vi cố ý gây thương tích và hậu quả từ hành vi đó, chẳng hạn như giấy chứng nhận thương tích, các hình ảnh, video quay lại hiện trường vụ án, trích xuất camera an ninh, lời khai nhân chứng, các chứng cứ khác thu thập được…

III/ ĐẾN BỆNH VIỆN ĐỂ ĐIỀU TRỊ:

  • Nếu vết thương nghiêm trọng bạn cần đi cấp cứu ngay lập tức để điều trị kịp thời.
  • Yêu cầu bệnh biện cấp giấy xác nhận tình trạng thương tích, đây là chứng cứ quan trọng phục vụ quá trình xử lý sau này. Lưu ý là phải yêu cầu bệnh viện cung cấp xác nhận thương tích một cách trung thực và chính xác, càng chi tiết, cụ thể về thương tích trên cơ thể càng tốt.
  • Trong quá trình điều trị, bạn cần giữ lại các hóa đơn, chứng từ thanh toán viện phí, tiền thuốc men, tiền thuê phương tiện di chuyển, lưu trú trong quá trình khám chữa bệnh, tiền công của người chăm sóc… Đây là những tài liệu, chứng cứ để yêu cầu bồi thường thiệt hại về sau.
  • Làm đơn yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan công an, viện kiểm sát hoặc Tòa án tùy vào từng giai đoạn tố tụng) tiến hành giám định thương tật tại cơ quan y tế được chỉ định (Nếu việc giám định là cần thiết). Việc xác định tỷ lệ thương tích, tỷ lệ tổn thương cơ thể là căn cứ để xác định hành vi đó có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?

IV/ XỬ LÝ VI PHẠM:

Tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi và hậu quả xảy ra mà người có hành vi cố ý gây thương tích cho người khác có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra bị hại còn có quyền yêu cầu người đó phải bồi thường toàn bộ thiệt hại và một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần.

Tham khảo bài viết về các hình thức xử phạt đối với người cố ý gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác tại đây: Xử phạt người cố ý gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác – Luật sư giỏi Quảng Bình (luatsuhoidap.com)

Xử phạt hành vi cố ý gây thương tích cho người khác

6 thoughts on “Các bước tự bảo vệ mình khi bị người khác cố ý gây thương tích

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one