Chồng cũ không cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn thì phải làm thế nào?

Rate this post

Chồng cũ không cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn – Phải làm thế nào? Đây là câu hỏi nhức nhối mà nhiều phụ nữ gặp phải sau khi cuộc hôn nhân kết thúc. Khi gánh nặng nuôi con dồn lên vai, việc người cha không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng càng khiến cuộc sống thêm phần khó khăn. Tuy nhiên đừng quá lo lắng vì bạn sẽ không phải đối mặt với điều này một mình, pháp luật có những quy định cụ thể để bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ và con trẻ. Hãy cùng tìm hiểu pháp luật xử lý như thế nào đối với trường hợp người cha không hoàn thành trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn và các công cụ pháp lý có thể sử dụng để bảo vệ quyền lợi của mình.

I/ AI LÀ NGƯỜI CÓ NGHĨA VỤ CẤP DƯỠNG NUÔI CON SAU LY HÔN?

Căn cứ theo quy định tại Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn:

Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó

Đồng thời, tiểu mục a Mục 11 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23 tháng 12 năm 2000 có hướng dẫn như sau:

11. Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn (Điều 92).

Khi áp dụng quy định tại Điều 92 cần chú ý một số điểm sau đây:

a. Theo quy định tại khoản 1 Điều 92 thì người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Đây là nghĩa vụ của cha, mẹ; do đó, không phân biệt người trực tiếp nuôi con có khả năng kinh tế hay không, người không trực tiếp nuôi con vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.

Trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cấp dưỡng vì lý do nào đó thì Toà án cần giải thích cho họ hiểu rằng việc yêu cầu cấp dưỡng nuôi con là quyền lợi của con để họ biết nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con. Nếu xét thấy việc họ không yêu cầu cấp dưỡng là tự nguyện, họ có đầy đủ khả năng, điều kiện nuôi dưỡng con thì Toà án không buộc bên kia phải cấp dưỡng nuôi con.

Như vậy, người không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, dù cho người trực tiếp nuôi con có khả năng kinh tế hay không. Trường hợp người trực tiếp nuôi con tự nguyện không yêu cầu cấp dưỡng và họ đủ khả năng, điều kiện nuôi dưỡng con thì Tòa án không buộc người không trực tiếp nuôi con phải cấp dưỡng.

Ai là người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn?

II/ CÁC BIỆN PHÁP BẢO VỆ QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ VÀ CON TRẺ:

1. Nhắc nhở và yêu cầu tự nguyện:

  • Trước tiên bạn nên thử liên hệ với chồng cũ để nhắc nhở thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, có thể thông qua các phương tiện tin nhắn, cuộc gọi, email hoặc yêu cầu bằng văn bản… Nếu có điều kiện thì có thể yêu cầu Văn phòng thừa phát lại lập Vi bằng ghi nhận lại sự kiện bạn yêu cầu chồng cũ thực hiện việc cấp dưỡng nuôi con.
  • Bạn cần lưu lại các bằng chứng về việc mình đã yêu cầu nhưng chồng cũ vẫn không thực hiện, ví dụ như tin nhắn, email, ghi âm cuộc gọi, video, vi bằng, sao kê tài khoản ngân hàng (tài khoản mà hai bên đã thỏa thuận để chuyển tiền cấp dưỡng)… Đây là những chứng cứ quan trọng để theo đuổi quyền lợi pháp lý về sau.

2. Gửi đơn yêu cầu thi hành án:

Nếu sau khi nhắc nhở mà chồng cũ vẫn phớt lờ việc gửi tiền cấp dưỡng, bạn có thể làm đơn yêu cầu thi hành án đối với Bản án/ Quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Cụ thể như sau:

a. Thành phần hồ sơ:

  • Bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
  • Căn cước công dân của người yêu cầu thi hành án (Bản sao công chứng);
  • Xác nhận thông tin về cư trú của bố, mẹ (Xin tại công an cấp xã nơi bố, mẹ thường trú);
  • Giấy khai sinh của con (Bản sao công chứng);
  • Đơn yêu cầu thi hành án dân sự (Mẫu số D01-THADS ban hành kèm theo Thông tư số 04/2023/TT-BTP ngày 14/8/2023 của Bộ Tư pháp);

Tải mẫu đơn yêu cầu thi hành án dân sự tại đây: MẪU ĐƠN YÊU CẦU THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

b. Nộp đơn ở đâu?

Người yêu cầu thi hành án nộp đơn tại Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện có trụ sở cùng địa bàn với Tòa án đã ra bản án, quyết định về cấp dưỡng. Người yêu cầu thi hành án có thể nộp đơn trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện tới trụ sở cơ quan thi hành án dân sự.

c. Quy trình giải quyết:

– Khi tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án sẽ kiểm tra nội dung và các tài liệu kèm theo, vào sổ nhận đơn yêu cầu thi hành án và cấp giấy biên nhận cho người nộp đơn.

– Cơ quan thi hành án dân sự sẽ ra thông báo bằng văn bản trong thời hạn 05 ngày làm việc về việc:

  • Ra quyết định thi hành án;
  • Hoặc từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án: Trong trường hợp người yêu cầu không có quyền yêu cầu thi hành án hoặc nội dung đơn yêu cầu thi hành án không liên quan đến nội dung trong bản án, quyết định; Cơ quan thi hành án dân sự được yêu cầu không có thẩm quyền thi hành án; Hết thời hiệu yêu cầu thi hành án.

– Quyết định về thi hành án phải được thông báo cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định.

– Thời hạn tự nguyện thi hành án là 15 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Hết thời hạn tự nguyện 15 ngày mà người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.

– Chấp hành viên thực hiện việc cưỡng chế bằng một trong số các cách sau:

  • Khấu trừ vào thu nhập: Mức cao nhất được khấu trừ vào thu nhập (từ tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp, thu nhập khác…) là 30% tổng số tiền thực nhận hàng tháng, trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận khác. Đồng thời, việc khẩu trừ vẫn phải đảm bảo điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt tối thiểu của người phải thi hành án.
  • Phong tỏa tài khoản ngân hàng để khấu trừ.
  • Xử lý tài sản để thi hành nghĩa vụ cấp dưỡng.
  • Các cách thức khác (nếu có).

3. Yêu cầu xử phạt hành chính hoặc hình sự:

Khi chồng cũ vi phạm nghĩa vụ cấp dưỡng, bạn có thể nộp đơn tố cáo đến Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan công an các cấp để xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

a. Xử phạt hành chính:

Căn cứ Điều 57 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình như sau:

Điều 57. Vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật;

b) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định đối với các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.

Theo đó, người có hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Đồng thời buộc phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định.

b. Truy cứu trách nhiệm hình sự:

Điều 186 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:

Điều 186. Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng

Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quyết định của Tòa án mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Như vậy, người có nghĩa vụ cấp dưỡng bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi đáp ứng các điều kiện sau:

  • Người đó có nghĩa vụ cấp dưỡng theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
  • Có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng;
  • Việc từ chối, trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng làm cho người được cấp dưỡng lâm tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Người phạm tội có thể phải đối diện với mức án là phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

4. Yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha đối với con:

Điều 85, Điều 86 và Điều 87 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:

Điều 85. Hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên

1. Cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:

a) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

b) Phá tán tài sản của con;

c) Có lối sống đồi trụy;

d) Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

2. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 86 của Luật này ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này.


Điều 86. Người có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên

1. Cha, mẹ, người giám hộ của con chưa thành niên, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên:

a) Người thân thích;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.

3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện cha, mẹ có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên.


Điều 87. Hậu quả pháp lý của việc cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên

1. Trong trường hợp cha hoặc mẹ bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên thì người kia thực hiện quyền trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con và đại diện theo pháp luật cho con.

2. Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục con và quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên được giao cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự và Luật này trong các trường hợp sau đây:

a) Cha và mẹ đều bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên;

b) Một bên cha, mẹ không bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên nhưng không đủ điều kiện để thực hiện quyền, nghĩa vụ đối với con;

c) Một bên cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên và chưa xác định được bên cha, mẹ còn lại của con chưa thành niên.

3. Cha, mẹ đã bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Như vậy, nếu chồng cũ (tức người cha) vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con thì người mẹ có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền hạn chế quyền của cha đối với con chưa thành niên. Trong trường hợp này, Tòa án có thể quyết định không cho cha trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 đến 05 năm, Tòa án cũng có thể xem xét rút ngắn thời hạn này.

Kết luận: Việc cấp dưỡng không chỉ là việc “trả tiền” hàng tháng cho con mà còn thể hiện tình yêu thương và trách nhiệm của người cha, người mẹ đối với tương lai của con trẻ, nghĩa vụ này không chỉ nằm ở khía cạnh kinh tế mà còn ở đạo đức và tình cảm gia đình sau cuộc hôn nhân đã đổ vỡ. Vì vậy, việc cấp dưỡng nuôi con không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của người cha, người mẹ đối với con của mình, người có nghĩa vụ cần phải có ý thức chấp hành để tránh các chế tài pháp luật về sau.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one