Quy định về phân chia di sản thừa kế theo pháp luật

Rate this post

Việc phân chia di sản thừa kế luôn là một trong những vấn đề nhạy cảm và phức tạp về mặt pháp lý. Khi một người qua đời mà không để lại di chúc, việc phân chia tài sản sẽ phải tuân theo quy định của pháp luật hiện hành. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn toàn diện về quy định chia thừa kế theo pháp luật tại Việt Nam, từ các nguyên tắc phân chia đến các yếu tố pháp lý có liên quan.

1. CHIA THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT LÀ GÌ?

Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về những trường hợp thừa kế theo pháp luật, bao gồm:

Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;

b) Di chúc không hợp pháp;

c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:

a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Trong đó, trường hợp phổ biến nhất dẫn đến việc phải chia di sản thừa kế theo pháp luật là do người mất không để lại di chúc hoặc có để lại di chúc nhưng di chúc không hợp lệ, hợp pháp theo pháp luật Việt Nam.

2. NGUYÊN TẮC CHIA THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT:

2.1 Hàng thừa kế:

Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về những người thừa kế theo pháp luật theo thứ tự sau đây:

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Các hàng thừa kế theo pháp luật

2.2 Nguyên tắc phân chia:

  • Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau (Khoản 2 Điều 651 BLDS 2015).
  • Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản (Khoản 3 Điều 651 BLDS 2015).
  • Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống. Nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống (Điều 652 BLDS 2015).
  • Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng (Khoản 1 Điều 660 BLDS 2015).
  • Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia (Khoản 2 Điều 660 BLDS 2015).
  • Trường hợp đặc biệt (Quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế): Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật dân sự (Điều 654 BLDS 2015).

3. QUY TRÌNH CHIA THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT:

Khi phân chia di sản thừa kế theo pháp luật, bạn cần làm theo các bước sau:

BƯỚC 1: XÁC ĐỊNH DI SẢN THỪA KẾ

Điều 612 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”.

Di sản thừa kế có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản thuộc sở hữu của người để lại di sản. Chẳng hạn: Di sản có thể là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tiền mặt, tiền trong tài khoản ngân hàng, sổ tiết kiệm, quyền sở hữu phương tiện, các loại xe, quyền sở hữu trí tuệ, các khoản nợ người khác chưa trả…

Bạn cần phải thu thập các giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản là di sản thừa kế, chẳng hạn như:

  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
  • Bản đồ giải thửa 299, trích lục bản đồ địa chính, văn tự bán nhà được Ủy ban nhân dân xác nhận, Biên lai thu thuế nhà đất (nếu có), xác nhận của Ủy ban nhân dân về nguồn gốc sử dụng đất… đối với trường hợp người sử dụng đất vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu;
  • Giấy phép xây dựng, Biên bản kiểm tra công trình hoàn thành (nếu có).
  • Giấy đăng ký xe ô tô, xe máy, các phương tiện khác…
  • Sổ tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, xác nhận số dư tài khoản tại ngân hàng…
  • Giấy chứng nhận sở hữu cổ phiếu, trái phiếu, cổ phần trong công ty…

Lưu ý: Những loại giấy tờ này phải đứng tên của người để lại di sản.

BƯỚC 2: XÁC ĐỊNH NGƯỜI THỪA KẾ

Cần xác định rõ những người thừa kế và phân loại theo thứ tự ưu tiên.

Ví dụ: Ông A có 01 vợ và 02 con nhỏ, vào thời điểm ông A mất thì bố mẹ ông A vẫn còn sống. Như vậy cần phải xác định có 05 người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông A là vợ, 02 người con, bố và mẹ của ông A.

Bạn cần phải thu thập các giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân giữa người để lại di sản thừa kế và người thừa kế, chẳng hạn như:

  • Giấy khai sinh: Trong đó có thể hiện tên bố và tên mẹ;
  • Chứng nhận/ Quyết định về việc nuôi con nuôi, Quyết định về việc nhận cha, mẹ, con của Ủy ban nhân dân hoặc của Bản án/ Quyết định về việc nhận cha, mẹ, con của Tòa án;
  • Giấy chứng nhận kết hôn, giấy xác nhận tình trang hôn nhân: Chứng minh quan hệ vợ chồng;
  • Xác nhận của UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã nơi cư trú về quan hệ nhân thân; Trích lục hộ tịch;
  • Tài liệu, văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác về việc xác định quan hệ cha, mẹ, con;
  • Bản khai sơ yếu lý lịch của Đảng viên trong đó có kê khai về các mối quan hệ nhân thân;
  • Các tài liệu, giấy tờ khác.

BƯỚC 3: PHÂN CHIA DI SẢN THỪA KẾ

TH 1: PHÂN CHIA DI SẢN THỪA KẾ THEO THỎA THUẬN

Nếu những người thừa kế đã thỏa thuận được về việc phân chia di sản thừa kế thì có thể lập Văn bản thỏa thuận về việc phân chia di sản thừa kế tại Văn phòng Công chứng. Sau đó tiến hành các thủ tục pháp lý để đăng ký quyền sở hữu tài sản.

Bạn có thể tham khảo thủ tục công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế tại đây: Thủ tục khai nhận di sản thừa kế và thỏa thuận phân chia di sản thừa kế – Luật sư giỏi Quảng Bình (luatsuhoidap.com)

TH 2: TRANH CHẤP DI SẢN THỪA KẾ

Nếu những người thừa kế không thỏa thuận được với nhau về việc chia thừa kế và phát sinh tranh chấp thì có thể tiến hành thủ tục khởi kiện tại Tòa án để yêu cầu giải quyết phân chia di sản thừa kế. Sau khi có Bản án/ Quyết định của Tòa án (Có hiệu lực pháp luật) thì mới tiến hành đăng ký quyền sở hữu theo nội dung trong bản án, quyết định.

4. KẾT LUẬN:

Chia thừa kế theo pháp luật là một quá trình đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về các quy định pháp luật để đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan. Việc nắm vững quy định, các nguyên tắc phân chia sẽ giúp quá trình này diễn ra thuận lợi, tránh các tranh chấp và mâu thuẫn không mong muốn. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc chia thừa kế, hãy tìm đến sự hỗ trợ của các chuyên gia pháp lý để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.


CÂU HỎI THƯỜNG GẶP:

1. Thừa kế theo pháp luật có cần phải công chứng không?

Trả lời: Có, để đảm bảo tính pháp lý, văn bản phân chia di sản thừa kế theo pháp luật phải được công chứng, chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền.

2. Tài sản của vợ/chồng có được đem chia thừa kế không?

Trả lời: Nếu tài sản thuộc sở hữu riêng của người đã mất thì tài sản đó sẽ được chia thừa kế toàn bộ. Tuy nhiên, nếu đây là tài sản chung của vợ chồng thì chỉ phần thuộc sở hữu của người mất trong khối tài sản chung được đem chia thừa kế.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one