Thủ tục thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn là một quá trình pháp lý được thực hiện khi một trong hai bên cha hoặc mẹ muốn yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con so với phán quyết trước đó (Đã có hiệu lực). Tuy nhiên không phải trường hợp nào Tòa án cũng chấp thuận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con, Tòa án sẽ đưa ra quyết định dựa trên lợi ích tốt nhất cho con và đáp ứng các điều kiện theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:
I/ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT:
Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
* Trường hợp 1: Cha mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
* Trường hợp 2: Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Đồng thời tại khoản 3 Điều luật này cũng quy định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
Căn cứ theo quy định trên thì một bên cha hoặc mẹ chỉ có thể yêu cầu Tòa án giải quyết thay đổi quyền nuôi con khi thuộc một trong hai trường hợp trên.
II/ THỦ TỤC THAY ĐỔI QUYỀN NUÔI CON THEO THỎA THUẬN CỦA CHA, MẸ:
Đây là trường hợp cha và mẹ đã thỏa thuận được với nhau về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Thủ tục sẽ trải qua các bước sau:
BƯỚC 1. LẬP VĂN BẢN THỎA THUẬN:
Sau cha, mẹ đã thống nhất được với nhau thì hai bên sẽ tiến hành lập văn bản thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con, thỏa thuận này phải được thể hiện dưới hình thức văn bản, có chữ ký của cả cha và mẹ, nếu văn bản được công chứng, chứng thực thì càng tốt (không bắt buộc).
BƯỚC 2. YÊU CẦU TÒA ÁN GIẢI QUYẾT VIỆC DÂN SỰ:
1. Thẩm quyền giải quyết:
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thỏa thuận của cha, mẹ về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
Căn cứ theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì Tòa án nơi một trong các bên thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận sự thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Như vậy, người yêu cầu có thể nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cha hoặc mẹ cư trú, làm việc đều được. Trường hợp cha hoặc mẹ đang ở nước ngoài thì phải nộp đơn ở Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
2. Thành phần hồ sơ nộp cho Tòa án:
Thành phần hồ sơ gồm có:
* Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự – Mẫu số 92-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao);
* Căn cước công dân của cha, mẹ (Bản sao công chứng);
* Xác nhận thông tin về cư trú của cha, mẹ (Xin tại Công an xã, phường nơi cha, mẹ có hộ khẩu thường trú);
* Bản án ly hôn hoặc quyết định công nhận thuận tình ly hôn trước đó (Bản chính, Trích lục bản án hoặc bản sao công chứng);
* Văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con (Bản chính);
* Giấy khai sinh của con (Bản sao công chứng).
3. Thời gian giải quyết: Thông thường từ 02 đến 03 tháng kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, trên thực tế thời gian giải quyết có thể ngắn hơn hoặc dài hơn tùy vào từng vụ việc cụ thể.
4. Chi phí hết bao nhiêu: Lệ phí phải nộp đối với việc dân sự yêu cầu Tòa án công nhận thỏa thuận thay đổi người trực tiếp nuôi con là 300.000 đồng.
III/ THỦ TỤC THAY ĐỔI QUYỀN NUÔI CON KHI CÓ TRANH CHẤP, CHA MẸ KHÔNG THỎA THUẬN ĐƯỢC:
Khi cha, mẹ không tìm được tiếng nói chung, không thỏa thuận được với nhau về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con thì một trong hai bên (cha hoặc mẹ) có quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết thay đổi người trực tiếp nuôi con khi người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Đó là khi có sự thay đổi về điều kiện sống hoặc môi trường sống, làm việc của cha hoặc mẹ, chẳng hạn như tình trạng sức khỏe cha, mẹ suy giảm, thu nhập giảm sút, cha, mẹ không còn nơi ăn chốn ở ổn định, quan hệ cá nhân của cha mẹ thay đổi (kết hôn với người khác, sinh thêm con), cha hoặc mẹ đi làm ăn xa, đi nước ngoài không thể trực tiếp nuôi con được mà phải giao con cho người khác, hay cha mẹ có hành vi bạo hành, cấm đoán con, không lo cho con được ăn học đầy đủ, cha hoặc mẹ ngăn cản không cho người còn lại thăm nom, chăm sóc con, hay con từ đủ 07 tuổi trở lên có nguyện vọng được về ở với cha hoặc mẹ… Có rất nhiều lý do để yêu cầu thay đổi quyền nuôi con, tuy nhiên người yêu cầu phải cung cấp các tài liệu, chứng cứ để chứng minh rằng việc thay đổi quyền nuôi con là cần thiết và có lợi nhất cho con.
Thủ tục giải quyết như sau:
1. Thẩm quyền giải quyết:
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết. Nếu cha hoặc mẹ đang ở nước ngoài thì phải nộp đơn ở Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
2. Thành phần hồ sơ nộp cho Tòa án:
Thành phần hồ sơ gồm có:
* Đơn khởi kiện – Mẫu số 23-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao);
* Căn cước công dân của người khởi kiện (Bản sao công chứng);
* Xác nhận thông tin về cư trú của người khởi kiện (Xin tại công an xã, phường nơi có hộ khẩu thường trú);
* Bản án ly hôn hoặc quyết định công nhận thuận tình ly hôn trước đó (Bản chính, Trích lục bản án hoặc bản sao công chứng);
* Giấy khai sinh của con (Bản sao công chứng);
* Tài liệu, chứng cứ chứng minh người trực tiếp nuôi con hiện tại không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
* Văn bản trình bày ý kiến của con từ đủ 07 tuổi trở lên có chữ ký của người giám hộ (Không bắt buộc, nếu không có thì sau này Tòa án sẽ xác minh lời khai của con sau).
3. Thời gian giải quyết: Thông thường từ 04 đến 06 tháng kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, trên thực tế thời gian giải quyết có thể ngắn hơn hoặc dài hơn tùy vào từng vụ việc cụ thể.
4. Chi phí hết bao nhiêu: Tiền án phí phải nộp là 300.000 đồng.
Khi có yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con, Tòa án sẽ xem xét kỹ lưỡng các yếu tố trước khi đưa ra phán quyết cuối cùng. Trong một số trường hợp, tòa án có thể yêu cầu sự tham vấn từ các chuyên gia tâm lý hoặc xã hội để đảm bảo quyết định được đưa ra là phù hợp nhất cho con trẻ. Thủ tục thay đổi quyền nuôi con có thể phức tạp và kéo dài, việc chuẩn bị chứng cứ sẽ rất khó khăn, do vậy sự hỗ trợ của Luật sư là rất cần thiết.
Pingback: Bị ngăn cản thăm con sau ly hôn phải làm thế nào? - Luật sư giỏi Quảng Bình