Các loại tội phạm phổ biến về ma túy

Tệ nạn ma túy luôn là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho cả người sử dụng và cộng đồng. Ở Việt Nam, các tội phạm về ma túy không chỉ gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự mà còn làm suy thoái sức khỏe và đạo đức xã hội, do đó các tội phạm này thường sẽ chịu hình phạt rất nghiêm khắc. Dưới đây là một số tội phạm phổ biến về ma túy mà chúng ta thường gặp:

Các tội phạm phổ biến về ma túy

1. TỘI VẬN CHUYỂN TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY:

* Căn cứ pháp lý: Điều 250 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

* Định nghĩa: Hiện nay Bộ luật hình sự không có định nghĩa cụ thể về tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Tuy nhiên chúng ta có thể tham khảo quy định hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24 tháng 12 năm 2007, cụ thể như sau:

“Vận chuyển trái phép chất ma túy” là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp chất ma túy từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào (có thể bằng các phương tiện khác nhau như ô tô, tàu bay, tàu thủy…; trên các tuyến đường khác nhau như đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bưu điện…; có thể để trong người như cho vào túi áo, túi quần, nuốt vào trong bụng, để trong hành lý như vali, túi xách v.v…) mà không nhằm mục đích mua bán, tàng trữ hay sản xuất trái phép chất ma túy khác.

* Mức hình phạt: Tội này có mức hình phạt thấp nhất là 02 năm tù, mức hình phạt cao nhất có thể tới 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

* Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

* Phân tích chuyên sâu cấu thành tội phạm đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy: Tội vận chuyển trái phép chất ma túy – Luật sư hỏi đáp (luatsuhoidap.com)

2. TỘI MUA BÁN TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY:

* Căn cứ pháp lý: Điều 251 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

* Định nghĩa: Hiện nay Bộ luật hình sự không có định nghĩa cụ thể về tội mua bán trái phép chất ma túy. Tuy nhiên chúng ta có thể tham khảo quy định hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24 tháng 12 năm 2007, cụ thể như sau:

“Mua bán trái phép chất ma túy” là một trong các hành vi sau đây:

a) Bán trái phép chất ma túy cho người khác (không phụ thuộc vào nguồn gốc chất ma túy do đâu mà có) bao gồm cả việc bán hộ chất ma túy cho người khác để hưởng tiền công hoặc các lợi ích khác;

b) Mua chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác;

c) Xin chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác;

d) Dùng chất ma túy nhằm trao đổi thanh toán trái phép (không phụ thuộc vào nguồn gốc chất ma túy do đâu mà có);

đ) Dùng tài sản không phải là tiền đem trao đổi, thanh toán… lấy chất ma túy nhằm bán lại trái phép cho người khác;

e) Tàng trữ chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác;

g) Vận chuyển chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác.

Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức cho người thực hiện một trong các hành vi mua bán trái phép chất ma túy được hướng dẫn từ điểm a đến điểm g tiểu mục 3.3 này đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy.

* Mức hình phạt: Tội này có hình phạt thấp nhất là 02 năm tù, hình phạt cao nhất có thể lên tới 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

* Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

* Phân tích chuyên sâu cấu thành tội phạm đối với tội mua bán trái phép chất ma túy: Tội mua bán trái phép chất ma túy – Luật sư giỏi Quảng Bình (luatsuhoidap.com)

3. TỘI TÀNG TRỮ TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY:

* Căn cứ pháp lý: Điều 249 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

* Định nghĩa: Hiện nay Bộ luật hình sự không có định nghĩa cụ thể về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Tuy nhiên chúng ta có thể tham khảo quy định hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24 tháng 12 năm 2007, cụ thể như sau:

“Tàng trữ trái phép chất ma túy” là cất giữ, cất giấu bất hợp pháp chất ma túy ở bất cứ nơi nào (như trong nhà, ngoài vườn, chôn dưới đất, để trong vali, cho vào thùng xăng xe, cất dấu trong quần áo, tư trang mặc trên người hoặc theo người…) mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển hay sản xuất trái phép chất ma túy. Thời gian tàng trữ dài hay ngắn không ảnh hưởng đến việc xác định tội này.

* Hình phạt: Tội này hình phạt thấp nhất là 01 năm tù, hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

* Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

* Phân tích chuyên sâu cấu thành tội phạm đối với tội tàng trữ trái phép chất ma túy: Tội tàng trữ trái phép chất ma túy – Luật sư giỏi Quảng Bình (luatsuhoidap.com)

4. TỘI TỔ CHỨC SỬ DỤNG TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY:

* Căn cứ pháp lý: Điều 255 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

* Định nghĩa: Hiện nay Bộ luật hình sự không có định nghĩa cụ thể về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên chúng ta có thể tham khảo quy định hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24 tháng 12 năm 2007, cụ thể như sau:

“Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” là một trong các hành vi sau đây:

a) Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác;

b) Chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị, cung cấp chất ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, tìm người sử dụng chất ma túy.

Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây theo sự chỉ huy, phân công, điều hành của người khác thì bị coi là đồng phạm về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy: đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; cung cấp trái phép chất ma túy cho người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy; chuẩn bị chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ, sản xuất…) nhằm đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; chuẩn bị địa điểm (thuê địa điểm, mượn địa điểm, sử dụng địa điểm không thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý để làm nơi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác); chuẩn bị dụng cụ, phương tiện dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ…) nhằm sử dụng để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; tìm người sử dụng chất ma túy để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể của họ.

* Hình phạt: Tội này có hình phạt thấp nhất là 02 năm tù, hình phạt cao nhất có thể lên tới 20 năm tù hoặc tù chung thân.

* Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Các tội phạm liên quan đến ma túy để lại hệ quả vô cùng nghiêm trọng cho xã hội nên cần được ngăn ngừa triệt để, việc này đòi hỏi sự can thiệp mạnh mẽ từ các cơ quan chức năng và cả cộng đồng. Việc tăng cường giáo dục, phòng chống ma túy và xử lý nghiêm khắc các đối tượng vi phạm là cách hiệu quả nhất để giảm thiểu tình trạng này. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức, góp phần vào cuộc chiến chống lại tệ nạn ma túy để bảo vệ cuộc sống và tương lai cho chính mình và xã hội.

* Phân tích chuyên sâu cấu thành tội phạm đối với tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy: Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy – Luật sư giỏi Quảng Bình (luatsuhoidap.com)

Nói không với ma túy

Nếu bạn có câu hỏi gì liên quan đến các loại tội phạm về ma túy thì có thể liên hệ với Luật sư để được giải đáp: LUẬT SƯ GIỎI TẠI TỈNH QUẢNG BÌNH – Luật sư hỏi đáp (luatsuhoidap.com)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one