Việc phân chia di sản thừa kế thường dễ dẫn đến tranh chấp, đặc biệt khi các thành viên trong gia đình không đạt được sự đồng thuận. Trong trường hợp này, người thừa kế có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án phân chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật. Dưới đây là quy trình khởi kiện và những điều cần lưu ý khi thực hiện yêu cầu này.
1. ĐIỀU KIỆN KHỞI KIỆN YÊU CẦU PHÂN CHIA DI SẢN THỪA KẾ:
Để khởi kiện tại Tòa án yêu cầu phân chia di sản thừa kế, người khởi kiện cần phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Người khởi kiện phải có quyền khởi kiện: Tức là người khởi kiện phải có quyền lợi liên quan đến di sản, thường là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.
- Người khởi kiện phải có năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự theo quy định tại Điều 69 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
- Di sản thừa kế vẫn chưa được chia hoặc có tranh chấp về việc phân chia di sản. Đồng thời, vụ việc tranh chấp vẫn chưa được giải quyết bằng một bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
- Thời hiệu khởi kiện: Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế (tức là thời điểm người để lại di sản qua đời).
2. CHUẨN BỊ HỒ SƠ KHỞI KIỆN:
Bạn cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ gồm các tài liệu sau:
- Đơn khởi kiện (Mẫu số 23-DS Danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP biểu mẫu trong tố tụng dân sự do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành): Trong đơn người khởi kiện cần trình bày về mối quan hệ giữa người để lại di sản và những người thừa kế, liệt kê cụ thể các loại tài sản mà người chết để lại và yêu cầu Tòa án phân chia như thế nào.
- Căn cước công dân của người khởi kiện (Bản sao công chứng).
- Xác nhận thông tin về cư trú của người khởi kiện (Xin tại Công an cấp xã nơi thường trú).
- Giấy tờ chứng minh quan hệ thừa kế: Các giấy tờ như giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn, kết quả giám định ADN của cơ sở y tế của thẩm quyền… để chứng minh mối quan hệ nhân thân giữa người để lại di sản và người thừa kế.
- Giấy chứng tử của người để lại di sản.
- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản đối với di sản thừa kế: ví dụ như sổ đỏ, sổ hồng, giấy tờ xe, sổ tiết kiệm, xác nhận số dư tại ngân hàng, các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu khác…
- Di chúc (nếu có): Nếu có bản di chúc hợp pháp thì cần cung cấp cho Tòa án.
3. NỘP HỒ SƠ KHỞI KIỆN TẠI TÒA ÁN CÓ THẨM QUYỀN:
Khoản 5 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định tranh chấp về thừa kế tài sản thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân.
- Thẩm quyền theo cấp: Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện. Nếu vụ án có đương sự ở nước ngoài thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết.
- Thẩm quyền theo lãnh thổ: Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết. Nếu đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.
Như vậy, đối với tranh chấp di sản thừa kế là động sản thì Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú có thẩm quyền giải quyết. Nếu tranh chấp di sản thừa kế là bất động sản (như quyền sử dụng đất, nhà ở…) thì Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có bất động sản giải quyết. Lưu ý đối với trường hợp có đương sự ở nước ngoài thì phải nộp đơn ở Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
4. THỦ TỤC TỐ TỤNG TẠI TÒA ÁN:
Sau khi nhận đơn khởi kiện, Tòa án sẽ xem xét và tiến hành các bước sau:
- Thụ lý vụ án: Nếu hồ sơ hợp lệ, Tòa án sẽ ra thông báo đóng tiền tạm ứng án phí. Sau khi đóng tiền Tòa án sẽ thụ lý vụ án để giải quyết, thông báo cho các bên có liên quan.
- Tổ chức hòa giải: Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Tòa án sẽ tổ chức phiên hòa giải để cho các bên thỏa thuận về việc phân chia di sản. Nếu hòa giải thành, Tòa án sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận này. Nếu hòa giải không thành, Tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử.
- Xét xử: Tòa án sẽ xem xét các tài liệu, chứng cứ, lời khai có trong hồ sơ vụ án và do đương sự trình bày tại phiên Tòa để ra phán quyết sau cùng.
5. CHI PHÍ KHỞI KIỆN:
Người khởi kiện cần chuẩn bị các khoản chi phí liên quan, bao gồm:
5.1 Tiền án phí:
Mức án phí tùy thuộc vào giá trị tài sản thừa kế, cụ thể như sau:
Theo Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016, đối với tranh chấp về dân sự có giá ngạch mức án phí như sau:
1.3 |
Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình có giá ngạch |
Án phí |
a |
Từ 6.000.000 đồng trở xuống |
300.000 đồng |
b |
Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng | 5% giá trị tài sản có tranh chấp |
c |
Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng | 20.000. 000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng |
d |
Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng | 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800.000.000 đồng |
đ |
Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng | 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng |
e |
Từ trên 4.000.000.000 đồng | 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng. |
Cần lưu ý những điểm như sau:
- Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự có giá ngạch bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp do đương sự yêu cầu giải quyết nhưng tối thiểu không thấp hơn mức án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch. Ban đầu khi Tòa án tiến hành thụ lý vụ án, bạn chỉ cần phải đóng mức tạm ứng án phí bằng 50% mức án phí ở trên.
- Về nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm: Mỗi bên đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia, được hưởng trong khối tài sản chung hoặc trong khối di sản thừa kế. Đối với phần Tòa án bác đơn yêu cầu thì người yêu cầu chia tài sản chung, di sản thừa kế không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.
5.2 Phí thẩm định giá tài sản (Nếu có):
Trong trường hợp cần định giá tài sản thừa kế thì người khởi kiện phải nộp chi phí định giá tài sản, mức phí nộp theo thông báo của Tòa án.
6. THI HÀNH ÁN:
Sau khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án có hiệu lực, nếu một trong các bên không tự nguyện thi hành theo bản án, người khởi kiện có thể yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự cưỡng chế thi hành án.
7. MỘT SỐ LƯU Ý KHI KHỞI KIỆN PHÂN CHIA DI SẢN THỪA KẾ:
- Thời gian giải quyết rất lâu: Thủ tục giải quyết tranh chấp thừa kế có thể kéo dài, nhất là khi có sự tranh chấp về giá trị hoặc nguồn gốc tài sản.
- Đối với di chúc không hợp pháp: Nếu có căn cứ chứng minh di chúc không hợp pháp (ví dụ: di chúc giả mạo, người lập di chúc không đủ năng lực hành vi dân sự, bị ép buộc, lừa dối, không tuân thủ về mặt hình thức…) thì người khởi kiện có thể yêu cầu Tòa án hủy bỏ di chúc.
KẾT LUẬN:
Khởi kiện yêu cầu phân chia di sản thừa kế là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về pháp lý và chứng cứ. Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp, người thừa kế cần nắm vững các quy định pháp luật và có thể cân nhắc nhờ sự hỗ trợ từ luật sư chuyên nghiệp trong quá trình khởi kiện.
Bài viết này sẽ cung cấp cho người đọc cái nhìn rõ ràng về thủ tục và những lưu ý cần thiết khi khởi kiện yêu cầu Tòa án phân chia di sản thừa kế.