Trong ngành khai thác thủy hải sản, việc chủ tàu mua bảo hiểm cho tàu cá như là một giải pháp giảm thiểu thiệt hại về kinh tế trước các rủi ro trong quá trình vận hành. Tuy nhiên, không ít trường hợp dù đã mua bảo hiểm nhưng chủ tàu vẫn bị công ty bảo hiểm từ chối bồi thường hoặc bồi thường quá ít không tương xứng với thiệt hại thực tế khi tàu gặp sự cố. Để đảm bảo quyền lợi của mình, chủ tàu cần lưu ý 5 điểm quan trọng dưới đây:
1. ĐẢM BẢO TÀU CÓ ĐẦY ĐỦ GIẤY PHÉP VÀ LẮP ĐẶT THIẾT BỊ GIÁM SÁT:
Một trong những yêu cầu để được hưởng quyền lợi bảo hiểm là tàu cá phải có đầy đủ các giấy tờ pháp lý. Các giấy tờ quan trọng bao gồm:
a. Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá:
Đăng ký tàu cá là việc thực hiện quản lý của Nhà nước đối với việc xác lập quyền sở hữu tàu cá và xác định nghĩa vụ của chủ tàu.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 71 Luật Thủy sản năm 2017, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét trở lên phải được đăng ký vào sổ đăng ký tàu cá quốc gia và cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá theo quy định. Tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 06 mét do Ủy ban nhân dân cấp xã thống kê phục vụ công tác quản lý.
b. Giấy phép khai thác thủy sản:
Giấy phép khai thác thủy sản là văn bản do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, cho phép tổ chức, cá nhân sử dụng tàu cá để thực hiện hoạt động khai thác và thu gom nguồn lợi thủy sản trong vùng biển Việt Nam hoặc trên các vùng nước thuộc quyền quản lý của Việt Nam.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Thủy sản năm 2017, tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản bằng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét trở lên phải có Giấy phép khai thác thủy sản.
c. Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá:
Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá là văn bản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp, xác nhận rằng tàu cá đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật theo quy định của pháp luật, đảm bảo đủ điều kiện để khai thác thủy hải sản trên biển. Đây là loại giấy tờ bắt buộc đối với tàu cá trước khi được phép tham gia hoạt động khai thác và di chuyển trên vùng biển.
Nếu thiết một trong các giấy phép trên, Công ty bảo hiểm có thể từ chối bồi thường vì thuộc trường hợp “Khai thác thủy sản bất hợp pháp”, căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 60 Luật Thủy sản năm 2017.
Ngoài các loại giấy phép trên, một điểm cần lưu ý nửa là tàu cá phải có thiết bị giám sát hành trình (GSHT), cụ thể như sau:
d. Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và đóng phí dịch vụ duy trì thiết bị giám sát đầy đủ:
Không phải mọi loại tàu cá đều phải lắp đặt thiết bị giám sát nhưng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên thì phải có thiết bị giám sát hành trình (Cơ sở pháp lý: Điểm đ khoản 2 Điều 50 Luật Thủy sản năm 2017).
Sau khi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, chủ tàu cũng cần phải đóng phí dịch vụ định kỳ để duy trì hoạt động của thiết bị và kiểm tra thiết bị thường xuyên, nếu có hư hỏng thì phải tiến hành sửa chữa ngay. Nhiều trường hợp vào thời điểm tàu xảy ra sự cố, chủ tàu không đóng tiền phí duy trí thiết bị giám sát hoặc thiết bị giám sát không được hoạt động bình thường nên bị mất quyền lợi bảo hiểm.
Bởi điểm i khoản 1 Điều 60 Luật Thủy sản năm 2017 quy định, việc “không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ hoặc không vận hành thiết bị thông tin liên lạc và thiết bị giám sát hành trình theo quy định” là hành vi được coi là khai thác thủy sản bất hợp pháp. Nếu thuộc trường hợp này thì công ty bảo hiểm có quyền từ chối bồi thường.
2. ĐÓNG PHÍ BẢO HIỂM ĐÚNG HẠN:
Hợp đồng bảo hiểm chỉ có hiệu lực khi chủ tàu đóng phí bảo hiểm đầy đủ và đúng thời gian quy định trong hợp đồng. Việc đóng tiền bảo hiểm trễ hạn có thể dẫn đến:
- Tạm ngừng hiệu lực bảo hiểm;
- Bị từ chối bồi thường trong trường hợp xảy ra sự cố.
Khi đóng phí bảo hiểm, chủ tàu cần lưu lại biên lai đóng tiền hoặc yêu cầu Công ty bảo hiểm cấp giấy xác nhận đã thanh toán đủ tiền bảo hiểm để làm căn cứ đối chiếu khi cần thiết.
3. THÔNG BÁO SỰ CỐ ĐÚNG THỜI GIAN QUY ĐỊNH:
Khi tàu gặp sự cố, việc thông báo cho Công ty bảo hiểm kịp thời là bắt buộc. Mỗi hợp đồng bảo hiểm sẽ quy định cụ thể thời gian thông báo sự cố, thường là từ 24 đến 48 giờ kể từ thời điểm xảy ra sự cố.
Việc thông báo chậm trễ hoặc không thông báo có thể dẫn đến việc Công ty bảo hiểm không kịp thời xác minh tình hình thực tế và mất quyền lợi bảo hiểm do không tuân thủ hợp đồng.
Lưu ý: Việc thông báo sự cố có thể thông qua nhiều hình thức như gọi điện, email, gửi văn bản hoặc thông báo trên ứng dụng của Công ty bảo hiểm (Nếu có). Nếu trong Hợp đồng bảo hiểm có quy định về hình thức thông báo sự cố thì phải tuân thủ theo hình thức đó.
Ngoài ra, chủ tàu còn cần phải trình báo cho Chính quyền địa phương, Trạm kiểm soát biên phòng nơi tàu gặp sự cố để kịp thời cứu hộ, đưa tàu vào đất liền và ghi nhận lại sự kiện.
4. GHI LẠI CHI TIẾT SỰ CỐ VÀ BẢO QUẢN BẰNG CHỨNG:
Để được bồi thường, chủ tàu cần cung cấp đầy đủ các tài liệu chứng minh thiệt hại và nguyên nhân xảy ra thiệt hại. Các bằng chứng bao gồm:
- Hình ảnh, video ghi lại hiện trường sự cố;
- Biên bản sự cố do thuyền viên lập tại chỗ;
- Giấy xác nhận của cơ quan chức năng (Chính quyền địa phương, công an, trạm kiểm soát biên phòng nơi tàu gặp sự cố);
Những tài liệu này giúp Công ty bảo hiểm bước đầu xác minh nguyên nhân và mức độ thiệt hại. Sau đó Công ty bảo hiểm sẽ mời Công ty giám định độc lập để tiến hành giám định các thiệt hại thực tế xảy ra và xác định số tiền bảo hiểm được bồi thường.
5. KHÔNG TỰ Ý SỬA CHỮA TÀU TRƯỚC KHI CÓ SỰ ĐỒNG Ý CỦA CÔNG TY BẢO HIỂM:
Một sai lầm phổ biến của nhiều chủ tàu là quá vội vàng sửa chữa tàu để sử dụng tiếp mà chưa được sự đồng ý của Công ty bảo hiểm. Điều này có thể dẫn đến việc:
- Mất quyền lợi bảo hiểm do Công ty không thể kiểm kê được thiệt hại ban đầu;
- Xảy ra bất đồng giữa chủ tàu và Công ty bảo hiểm về chi phí sửa chữa, từ đó rất dễ dẫn đến tranh chấp.
Vì vậy, trước khi tiến hành sửa chữa, chủ tàu cần thông báo rõ ràng với Công ty bảo hiểm và chờ họ cử người kiểm tra, giám định tình trạng tàu. Nếu tình huống khẩn cấp phải sửa chữa gấp để đảm bảo an toàn thì phải ghi lại toàn bộ quá trình sửa chữa để làm bằng chứng. Đồng thời, cần đưa tàu đến những đơn vị sửa chữa uy tín, có tư cách pháp nhân, giấy phép hoạt động đầy đủ, trước khi sửa chữa cần yêu cầu đơn vị sửa chữa ra báo giá chi tiết từng hạng mục, khi thanh toán tiền sửa chữa phải yêu cầu xuất hóa đơn VAT để chứng minh chi phí thực tế cho việc sửa tàu.
KẾT LUẬN:
Việc đảm bảo quyền lợi bảo hiểm khi gặp sự cố không chỉ đòi hỏi sự cẩn trọng trong việc lựa chọn hợp đồng bảo hiểm phù hợp mà còn yêu cầu chủ tàu phải tuân thủ đầy đủ các quy định trong hợp đồng. Nắm rõ và thực hiện tốt 5 điều trên sẽ giúp chủ tàu yên tâm khai thác và nhanh chóng khắc phục thiệt hại nếu tàu không may xảy ra sự cố.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về pháp luật liên quan đến bảo hiểm hoặc quyền lợi của chủ tàu cá, hãy liên hệ với Luật sư Ngô Tấn Linh để được tư vấn chi tiết.
Hotline: 0969 481 635
Email: [email protected]
Website: https://luatsuhoidap.com