Bán xe ô tô có cần chữ ký của cả hai vợ chồng không?

Xe ô tô là một loại tài sản có đăng ký quyền sở hữu, việc giao dịch mua bán tài sản có giá trị lớn như vậy đòi hỏi phải đáp ứng các thủ tục pháp lý nhất định. Nhiều người thường hay thắc mắc: Khi bán xe ô tô có cần chữ ký của cả hai vợ chồng hay không? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết vấn đề này dựa trên các quy định hiện hành.

Có hai trường hợp xảy ra:

1. TRƯỜNG HỢP XE Ô TÔ LÀ TÀI SẢN PHÁT SINH TRƯỚC THỜI KỲ HÔN NHÂN:

Nếu xe ô tô là tài sản của cá nhân (tài sản đứng tên một mình vợ hoặc chồng) có được trước khi đăng ký kết hôn thì được xác định là tài sản riêng của vợ hoặc chồng. Trong trường hợp này việc bán xe ô tô chỉ cần người có tài sản (người đứng tên sở hữu xe ô tô) ký hợp đồng mua bán xe mà không cần phải có chữ ký của cả hai vợ chồng.

2. TRƯỜNG HỢP XE Ô TÔ LÀ TÀI SẢN PHÁT SINH TRONG THỜI KỲ HÔN NHÂN:

Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:

Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Căn cứ theo quy định trên, nếu xe ô tô có được trong thời kỳ hôn nhân nhưng không có căn cứ để chứng minh là tài sản riêng của mỗi bên thì xe ô tô đó được coi là tài sản chung, đồng nghĩa với việc hợp đồng mua bán xe phải có chữ ký của cả hai vợ chồng, dù cho việc chỉ có một người đứng tên trên giấy tờ xe.

Ngược lại, nếu có bằng chứng để chứng minh chiếc xe ô tô là tài sản riêng của vợ hoặc chồng thì người đang có tài sản (người đứng tên sở hữu tài sản) được tự mình ký hợp đồng mua bán mà không cần chữ ký của người còn lại.

Một số căn cứ để chứng minh tài sản riêng có thể là: Văn bản xác nhận tài sản riêng vợ chồng đã được công chứng hoặc chứng thực, hợp đồng tặng cho riêng, hồ sơ thừa kế riêng đối với chiếc xe ô tô…

3. HỢP ĐỒNG MUA BÁN XE Ô TÔ CÓ BẮT BUỘC PHẢI CÔNG CHỨNG, CHỨNG THỰC KHÔNG?

Một câu hỏi cũng được nhiều người quan tâm là việc mua bán xe ô tô có phải tiến hành thủ tục công chứng, chứng thực không?

Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 11 Thông tư số 24/2023/TT-BCA ngày 01 tháng 07 năm 2023: Văn bản về việc bán, tặng cho, thừa kế xe của cá nhân phải có xác nhận công chứng hoặc chứng thực hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị đang công tác (đối với lực lượng vũ trang và người nước ngoài làm việc trong cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế mà đăng ký xe theo địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác).

Như vậy, việc cá nhân bán xe ô tô thì hợp đồng mua bán phải được công chứng hoặc chứng thực. Đối tới tổ chức bán xe thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.

Việc công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng (Văn phòng công chứng, Phòng công chứng), việc chứng thực được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã.


KẾT LUẬN:

Việc bán xe ô tô trong thời kỳ hôn nhân có cần chữ ký của cả hai vợ chồng hay không phụ thuộc vào việc xác định xe ô tô đó là tài sản chung hay tài sản là riêng, theo quy định của pháp luật. Nếu là tài sản chung, cần có sự đồng ý và chữ ký của cả hai trong hợp đồng mua bán xe. Nếu là tài sản riêng thì chỉ cần một mình người đứng tên trên giấy tờ xe định đoạt. Việc nắm vững các quy định pháp luật và đảm bảo sự minh bạch trong quyền sở hữu tài sản sẽ giúp các cặp vợ chồng tránh được các tranh chấp pháp lý trong tương lai.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one