“Bị ngăn cản thăm con sau ly hôn phải làm thế nào? – Một câu hỏi mà không ít bậc cha mẹ phải đối mặt sau khi hôn nhân tan vỡ. cảm giác bức xúc pha chút bất lực là điều hoàn toàn dễ hiểu. Con cái là sợi dây gắn kết thiêng liêng, việc người không trực tiếp nuôi con bị ngăn cản thăm gặp không chỉ tổn thương đến tình cảm của người bố, người mẹ mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi được chăm sóc, yêu thương của con. Vậy bạn cần phải làm gì để lấy lại được quyền ở bên con cái của mình? Câu trả lời không chỉ nằm ở pháp luật mà còn ở cách hành xử thông minh và khéo léo. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay sau đây!
I. QUYỀN THĂM NOM CON SAU LY HÔN THEO QUY ĐINH CỦA PHÁP LUẬT:
Điều 82, Điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:
Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Điều 83. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.
2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Theo đó, sau ly hôn người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con mà không ai được cản trở. Người trực tiếp nuôi con và gia đình họ phải tôn trọng và không được cản trở quyền thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
II. CÁC GIẢI PHÁP KHI BỊ NGĂN CẢN QUYỀN THĂM CON:
1. Thương lượng và hòa giải:
- Bước đầu tiên hãy cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách thương lượng trực tiếp với người trực tiếp nuôi con. Thường thì nguyên nhân của việc ngăn cản này xuất phát từ những mâu thuẫn cá nhân, một cuộc đối thoại thẳng thắn có thể giúp làm rõ các vấn đề và giải quyết tình huống nhanh chóng mà không cần đến sự can thiệp của pháp luật.
- Nếu không thể tự mình thương lượng, bạn có thể nhờ sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè hoặc một bên thứ ba có uy tín để làm trung gian hòa giải.
2. Yêu cầu cơ quan thi hành án hỗ trợ:
- Trong trường hợp người trực tiếp nuôi con cố tình không thực hiện theo Bản án/ Quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về quyền thăm nom con của người con lại. Người không trực tiếp nuôi con có quyền nộp đơn yêu cầu cơ quan thi hành án can thiệp. Cơ quan này sẽ dựa trên bản án hoặc quyết định của tòa án về việc thăm nom con để đảm bảo người nuôi con không gây cản trở. Nếu còn tiếp tục ngăn cản thì cơ quan thi hành án có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế.
- Về thẩm quyền: Bạn có thể nộp đơn yêu cầu thi hành án dân sự tại Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện có trụ sở cùng địa bàn với Tòa án đã ra bản án/ quyết định.
3. Gửi đơn tố cáo hành vi ngăn cản quyền thăm con:
Khi người trực tiếp nuôi con có hành vi ngăn cản việc thăm nom con, bạn có thể nộp đơn tố cáo đến Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan công an cấp xã để tiến hành xác minh, lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính.
Điều 56 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 về xử phạt hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ giữa cha, mẹ và con như sau:
Điều 56. Hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.
Theo đó, hành vi cản trở quyền thăm con có thể bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
4. Yêu cầu Tòa án thay đổi quyền nuôi con:
Nếu hành vi cản trở quyền nuôi con tái diễn nhiều lần và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, sự phát triển của con thì bạn có thể xem xét việc khởi kiện yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con. Điều này được quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Bạn sẽ phải chứng minh rằng người trực tiếp nuôi dưỡng không đáp ứng tốt quyền lợi của con và việc thay đổi người nuôi dưỡng là cần thiết để đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ.
Bạn có thể tham khảo thủ tục khởi kiện yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con tại đây: THỦ TỤC THAY ĐỔI QUYỀN NUÔI CON SAU LY HÔN – Luật sư giỏi Quảng Bình (luatsuhoidap.com)
5. Chuẩn bị hồ sơ và chứng cứ:
Để có cơ sở theo đuổi các quyền lợi pháp lý của mình, việc thu thập và chuẩn bị bằng chứng là vô cùng quan trọng. Bạn có thể chuẩn bị các tài liệu như:
- Bản án, quyết định của tòa án liên quan đến quyền thăm gặp con.
- Bằng chứng về việc bị ngăn cản thăm con, bao gồm tin nhắn, cuộc gọi, video, trích xuất camera, lời khai của người chứng kiến, thậm chí bạn có thể yêu cầu Văn phòng thừa phát lại lập Vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi ngăn cản việc thăm con.
- Biên bản làm việc của chính quyền địa phương, công an cấp xã được lập khi bạn nộp đơn tố cáo để xử phạt hành chính.
- Hồ sơ về tình trạng tâm lý, sức khỏe của con nếu bạn cho rằng việc ngăn cản này đang ảnh hưởng xấu đến con.
- Đơn trình bày nguyện vọng của con: Đối với con chưa thành niên từ đủ 07 tuổi trở lên.
6. Thuê Luật sư để nhờ sự trợ giúp pháp lý:
Nếu tình huống phức tạp hoặc bạn không nắm rõ quy trình pháp lý, việc tìm kiếm sự tư vấn từ một luật sư chuyên về hôn nhân và gia đình là lựa chọn khôn ngoan. Luật sư sẽ giúp bạn định hướng rõ ràng về các bước pháp lý cần thực hiện, đồng thời đại diện cho bạn trước tòa án nếu cần.
Bạn có thể liên hệ với Luật sư tại đây: LUẬT SƯ GIỎI TẠI TỈNH QUẢNG BÌNH – Luật sư giỏi Quảng Bình (luatsuhoidap.com)
7. Kết luận:
Khi bị ngăn cản quyền thăm con sau ly hôn, điều quan trọng nhất là bạn cần nắm rõ các quyền lợi pháp lý của mình và thực hiện những giải pháp phù hợp. Từ việc thương lượng hòa giải cho đến yêu cầu sự can thiệp của cơ quan chức năng, mỗi bước đều cần sự kiên nhẫn và lý trí. Hãy nhớ rằng, quyền được thăm con không chỉ là quyền của bạn mà còn là lợi ích lớn lao cho con trẻ – một quyền lợi mà không ai có quyền cản trở.