CÁCH KIỂM TRA CÔNG TY XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG CÓ LỪA ĐẢO HAY KHÔNG?

Trong những năm gần đây, nhu cầu làm việc ở nước ngoài của người lao động Việt Nam đã tăng nhanh chóng, bao gồm cả lao động phổ thông và lao động có trình độ kỹ thuật cao. Cùng với đó là hàng loạt công ty làm dịch vụ đưa người đi làm việc ở nước ngoài mọc lên như nấm, không phải công ty nào cũng uy tín, có rất nhiều công ty được lập ra nhằm mục đích huy động vốn hay thậm chí là lừa đảo chiếm đoạt tiền từ khách hàng. Vì vậy phải thật cẩn trọng trong việc chọn lựa công ty làm dịch vụ cho mình.

Để kiểm tra một công ty xuất khẩu lao động có lừa đảo hay không sẽ rất phức tạp nhưng vô cùng quan trọng để bạn có thể tự bảo vệ mình. Hãy làm theo các bước sau đây:

1. KIỂM TRA GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG:

Xuất khẩu lao động hay đưa người Việt Nam sang làm việc tại nước ngoài là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, để được kinh doanh ngành nghề này thì doanh nghiệp phải có 02 loại giấy phép sau đây:

* Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: Do Sở kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp có trụ sở cấp.

* Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài: Do Bộ lao động thương binh và xã hội cấp. Loại giấy phép này để được cấp thì doanh nghiệp phải đáp ứng rất nhiều điều kiện như: Vốn điều kiện tối thiểu là 5 tỷ đồng và phải 100% vốn Việt Nam; Phải thực hiện ký quỹ 2 tỷ đồng tại một Ngân hàng; điều kiện về nhân viên, trụ sở, cơ sở vật chất… Vì vậy, nếu doanh nghiệp được cấp loại giấy phép này thì có thể xác định đây là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ xuất khẩu lao động thực chất, không phải là công ty ma.

Bạn có thể yêu cầu công ty cung cấp 02 loại giấy tờ trên để kiểm tra hoặc bạn cũng có thể kiểm tra trên internet, cụ thể như sau:

* Kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: Truy cập vào trang web https://dangkykinhdoanh.gov.vn/ và nhập tên doanh nghiệp để kiểm tra;

* Kiểm tra Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài: Truy cập vào trang web http://dolab.gov.vn/New/Default.aspx để kiểm tra. Sau đó chọn “Doanh nghiệp XKLĐ”, sau đó chọn “Doanh sách doanh nghiệp XKLĐ”. Sau đó nhập tên công ty xuất khẩu lao động vào ô tìm kiếm, sau đó bấm tìm kiếm.

– Nếu hệ thống hiện kết quả thì công ty đó được phép hoạt động kinh doanh xuất khẩu lao động tại Việt Nam;

– Nếu hệ thống không hiện kết quả thì công ty đó không được phép hoạt động kinh doanh xuất khẩu lao động tại Việt Nam. Đây là dấu hiệu của một công ty lừa đảo hoặc tuy không lừa đảo nhưng chưa đáp ứng tiêu chuẩn, năng lực để kinh doanh dịch vụ, như vậy quyền lợi của khách hàng sẽ không được đảm bảo.

2. TÌM HIỂU VỀ CÔNG TY:

* Tìm kiếm trực tuyến: Bạn có thể ra cứu tên công ty trên Google, các group hội nhóm trên Facebook, Zalo… để xem có các đánh giá tiêu cực hay không, đọc các bình luận, phản hồi từ những người đã sử dụng dịch vụ trước đây…

* Kiểm tra địa chỉ: Tới trực tiếp văn phòng của công ty, xác minh địa chỉ văn phòng trụ sở, chi nhánh của công ty. Nếu công ty có địa chỉ ảo hoặc không rõ ràng, rất có thể đây là dấu hiệu của công ty lừa đảo. Lưu ý là nhiều công ty chỉ thuê văn phòng ảo để xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chứ thực tế không hoạt động ở đó, địa chỉ trên giấy đăng ký doanh nghiệp một nơi, địa chỉ gặp mặt một nơi khác cũng là một dấu hiệu cần được xem xét.

3. KIỂM TRA PHÍ DỊCH VỤ:

* Phí dịch vụ phải hợp lý: Bạn cần so sánh phí dịch vụ của công ty với các công ty khác, nếu phí quá cao hoặc quá thấp so với mức trung bình, bạn cần cẩn trọng. Vì một doanh nghiệp uy tín luôn giữ một mức phí cạnh tranh, tương ứng với giá thị trường, không quá cao cũng không quá thấp. Nếu doanh nghiệp đưa ra mức giá quá thấp thì cũng đừng vội mừng, bạn phải đặt câu hỏi vì sao mức phí lại thấp như vậy?

* Khi thanh toán tiền đặt cọc, tiền phí dịch vụ phải yêu cầu cung cấp hóa đơn, chứng từ: Đảm bảo rằng tất cả các khoản phí đều có hóa đơn và giấy tờ chứng nhận.

4. RÀ SOÁT HỢP ĐỒNG:

Trước khi đặt bút ký vào hợp đồng với công ty kinh doanh dịch vụ xuất khẩu lao động, bạn cần phải nghiên cứu hợp đồng thật kỹ càng, bạn cần lưu ý các vấn đề sau đây:

* Pháp nhân đứng ra ký hợp đồng với mình: Trên thực tế xảy ra trường hợp tên công ty khi ký hợp đồng lại khác với tên công ty lúc quảng cáo tuyển lao động. Nếu trường hợp này xảy ra rất khó thể đơn vị tư vấn, làm việc với bạn ban đầu không phải là công ty kinh doanh dịch vụ xuất khẩu lao động mà chỉ là đơn vị môi giới (hay còn gọi là cò xuất khẩu lao động), rất có thể đơn vị này đã bán hồ sơ của bạn cho một công ty khác để hưởng phần chênh lệch phí dịch vụ hoặc hoa hồng môi giới.

* Hình thức hợp đồng: Hợp đồng phải được lập thành văn bản, do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đứng ra ký kết và phải có đóng dấu doanh nghiệp. Lưu ý là chỉ người có thẩm quyền trong doanh nghiệp đứng ra ký kết hợp đồng thì hợp đồng mới có giá trị pháp lý. Phải ký hợp đồng trực tiếp với công ty tổng, không nên ký hợp đồng với đơn vị hoặc cá nhân môi giới;

* Nội dung hợp đồng: Nội dung hợp đồng phải rõ ràng, dễ hiệu, bạn phải đọc thật kỹ nội dung hợp đồng và đảm bảo rằng đã hiểu rõ hết toàn bộ nội dung, điều khoản trong đó, hợp đồng không được tồn tại điều khoản mơ hồ, khó hiểu hoặc hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Bên cạnh đó, hợp đồng cũng phải đảm bảo cân bằng về quyền lợi giữa hai bên, nếu hợp đồng các điều khoản trong đó hoàn toàn có lợi thế cho bên công ty dịch vụ thì cần phải xem xét lại. Nếu nhận thấy điều khoản nào chưa rõ ràng hoặc bất lợi cho mình thì cần yêu cầu phía công ty sửa lại hợp đồng cho phù hợp.

* Tham khảo ý kiến tư vấn của luật sư: Nên thuê một Luật sư rà soát toàn bộ các nội dung của hợp đồng và tư vấn sửa đổi những điều khoản bất lợi cho bạn. Việc làm này là cần thiết bởi luật sư là những người am hiểu pháp luật, có trình độ chuyên môn cao trong việc soạn thảo và đàm phán hợp đồng, Luật sư sẽ giúp bạn làm sáng tỏ từng điều khoản trong hợp đồng mà bạn đọc vẫn không hiểu.

5. TÌM HIỂU QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT NƯỚC SỞ TẠI:

Bạn phải tìm hiểu thật kỹ các quy định của nước sở tại, nước mà bạn dự định đến để làm việc thông qua internet, những người đang làm việc tại đó, để kiểm tra xem những gì bên công ty tư vấn cho bạn có đúng như vậy không. Bởi rất nhiều công ty vì để ký được hợp đồng với khách hàng mà sẵn sàng đưa ra những thông tin sai sự thật hoặc lừa dối khách hàng.

Nếu bạn phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của lừa đảo, hãy báo cáo ngay với các cơ quan chức năng để được hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one