Câu hỏi của chị Nhàn gửi đến Luật sư như sau:
Tôi chưa ly hôn với chồng cũ nhưng đã ly thân được 3 năm nay, trong thời gian này tôi có chung sống với người đàn ông khác và sinh được một người con riêng. Luật sư cho hỏi khi làm giấy khai sinh cho con thì thông tin người cha phải kê khai như thế nào?
Giải đáp:
I. Cách thức xác định cha cho con khi người vợ chưa ly hôn với chồng:
Điều 88 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc xác định cha cho con như sau:
– Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
– Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
– Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
– Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.
Bên cạnh đó, Điều 89 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định:
– Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình.
– Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình.
Căn cứ theo các quy định trên thì con riêng của bạn được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nên được xác định là con chung giữa bạn và chồng hiện nay trên giấy tờ. Nếu đăng ký khai sinh cho con thì vẫn phải xác định người chồng hiện nay là cha của đứa bé. Ngoại trừ các trường hợp sau:
– Người chồng hiện nay không thừa nhận con và yêu cầu Tòa án xác định đứa trẻ không phải là con của mình.
– Người cha sinh học yêu cầu Tòa án xác định đứa trẻ là con của mình.
II. Thủ tục xác định cha cho con:
1. Thẩm quyền giải quyết việc xác định cha cho con:
Điều 101 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, Điều 24 Luật hộ tịch năm 2014 quy định như sau:
– Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ con. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con thì các bên phải có mặt (Đối với trường hợp không có tranh chấp).
– Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp.
Quy định là vậy nhưng trên thực tế các vụ việc liên quan đến nhận cha, mẹ, con thường sẽ phát sinh tranh chấp hoặc tuy không tranh chấp nhưng bên còn lại không hợp tác, dẫn đến việc Ủy ban nhân dân cấp xã từ chối làm thủ tục nhận cha cho con. Vì vậy phương án cuối cùng là yêu cầu Tòa án xác định cha cho con.
2. Thủ tục yêu cầu Tòa án xác định cha cho con:
Để yêu cầu Tòa án xác định cha cho con, bạn cần làm theo các bước sau đây:
Bước 1: Bạn chuẩn bị 01 bộ hồ sơ khởi kiện gửi cho Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người chồng hiện tại đang cư trú để yêu cầu Tòa án giải quyết việc xác định cha con con.
Hồ sơ khởi kiện bao gồm:
- Đơn khởi kiện về việc yêu cầu xác định lại cha cho con;
- Bản sao công chứng CCCD của bạn, của người chồng hiện tại, của người cha sinh học của đứa bé (Lưu ý: CCCD của người chồng hiện tại không bắt buộc phải có).
- Giấy “Xác nhận thông tin về cư trú” của bạn, của người chồng hiện tại (Lưu ý: Giấy nay xin tại Công an xã/phường nơi bạn, chồng bạn có hộ khẩu thường trú).
- Giấy chứng sinh của con (Của bênh viện hoặc cơ sở y tế nơi đứa bé sinh ra). Trường hợp con đã được đăng ký khai sinh thì cung cấp bản sao công chứng giấy khai sinh của con.
- Giấy tờ chứng minh mối quan hệ cha con giữa người cha sinh học và đứa bé. Ví dụ: Kết quả giám định ADN được cấp bởi cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền. Trường hợp không có giấy tờ trên thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.
Bước 2: Sau khi Tòa án đã có quyết định công nhận mối quan hệ cha con, bạn mang bản án hoặc quyết định có hiệu lực của Tòa án đến Ủy ban nhân dân cấp xác để đăng ký khai sinh cho con hoặc làm thủ tục thay đổi thông tin người cha, họ tên của con trên giấy khai sinh (đối với trường hợp đã đăng ký khai sinh trước đó).
Kết luận: việc đăng ký khai sinh cho con riêng khi chưa ly hôn với chồng sẽ trải qua nhiều thủ tục phức tạp và rất tốn kém, bởi chi phí giám định ADN không hề rẻ. Vì vậy, khi quan hệ vợ chồng trên thực tế đã chấm dứt (ly thân) thì tốt nhất nên sớm làm thủ tục ly hôn trước khi có quan hệ với người khác, để tránh trường hợp phải gặp khó khăn khi đăng ký khai sinh cho con, thậm chí có những trường hợp còn bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
THAM KHẢO BẢN ÁN TRANH CHẤP XÁC ĐỊNH CHA CHO CON TẠI ĐÂY: Bản án Tranh chấp xác định cha cho con (Hải Phòng) – Luật sư hỏi đáp (luatsuhoidap.com)
Cảm ơn luật sư
Hay quá