GÂY TAI NẠN GIAO THÔNG PHẢI BỒI THƯỜNG THẾ NÀO?

Ở Việt Nam số vụ tai nạn giao thông hằng năm rất lớn, tai nạn không chỉ gây ra hậu quả nghiêm trọng về tín mạng, sức khỏe, tài sản của người khác mà còn đặt ra vấn đề pháp lý về trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Việc xác định ai là người có trách nhiệm bồi thường và các khoản phải bồi thường, mức bồi thường cụ thể là bao nhiêu là những câu hỏi quan trọng cần phải được giải đáp một cách rõ ràng để đảm bảo sự công bằng cho các bên liên quan.

Có rất nhiều người dân khi xảy ra sự việc trên lại không thể tự bảo vệ quyền lợi cho mình chỉ vì không am hiểu pháp luật, vì vậy trong giới hạn bài viết này Luật sư xin trình bày một cách đơn giản, dễ hiểu nhất để những người dân bình thường vẫn có thể hiểu thấu đáo và áp dụng cho các tình huống thực tế xảy đến đối với mình.

1/ XÁC ĐỊNH NGƯỜI CÓ TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG:

Các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

  • Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường;
  • Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại;
  • Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

(Cơ sở pháp lý: Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015)

Như vậy, người gây ra thiệt hại (người điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông) phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại (thiệt hại thực tế). Tuy nhiên vẫn có trường hợp người bồi thường không phải là người gây ra thiệt hại, đó là trường hợp chủ sở hữu phương tiện giao xe cho người khác mà gây tai nạn giao thông thì chủ xe phải có trách nhiệm liên đới cùng với người gây ra tai nạn để bồi thường thiệt hại cho tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do phương tiện của mình gây ra.

Những trường hợp người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường:

  • Sự kiện bất khả kháng: Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
  • Bên bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi: Đây là trường hợp thiệt hại xuất phát từ hành vi có lỗi (vi phạm luật giao thông đường bộ) của bên bị thiệt hại, hoặc người gây thiệt hại buộc phải gây ra thiệt hại nhỏ để ngăn chặn thiệt hại lớn hơn xuất phát từ hành vi vi phạm pháp luật của bên bị thiệt hại.

2/ TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI:

2.1 Bồi thường thiệt hại do sức khỏe, tinh thần bị xâm phạm:

Căn cứ Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì những khoản bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm;

  •  Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại: Người bị thiệt hại phải cung cấp hồ sơ bệnh án, các hóa đơn chứng từ liên quan đến chi phí điều trị, viện phí, tiền thuốc men… để chứng minh cho các khoản tiền điều trị.
  • Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại còn bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
  • Các khoản thiệt hại khác: Đây là các khoản thiệt hại ngoài những thiệt hại ở trên, nhưng phải là thiệt hại có nguyên nhân xuất phát từ hành vi của người gây ra thiệt hại. Người yêu cầu bồi thường phải cung cấp cho Tòa án các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho khoản thiệt hại này.

Nghị quyết hướng dẫn: Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP (có hiệu lực từ ngày 01/01/2023) hướng dẫn việc xác định thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như sau:

1. Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm:

a) Chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh cho người bị thiệt hại; thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đến cơ sở khám chữa bệnh và trở về nơi ở;

b) Chi phí bồi dưỡng sức khỏe cho người bị thiệt hại được xác định là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho 01 ngày khám bệnh, chữa bệnh theo số ngày trong hồ sơ bệnh án;

c) Chi phí phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút là các chi phí cho việc phục hồi, hỗ trợ, thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại.

2. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại được xác định như sau:

a) Trường hợp người bị thiệt hại có thu nhập ổn định từ tiền lương, tiền công thì được xác định theo mức tiền lương, tiền công của người bị thiệt hại trong khoảng thời gian tiền lương, tiền công bị mất hoặc bị giảm sút;

b) Trường hợp người bị thiệt hại có thu nhập không ổn định từ tiền lương, tiền công được xác định căn cứ vào mức tiền lương, tiền công trung bình của 03 tháng liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra. Trường hợp không xác định được 03 tháng lương liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra thì căn cứ vào thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương trong khoảng thời gian thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Nếu không xác định được thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương thì thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút được bồi thường là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại nơi người bị thiệt hại cư trú cho 01 ngày bị thiệt hại.

Ngày lương tối thiểu vùng được xác định là 01 tháng lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định chia cho 26 ngày.

3. Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại được xác định như sau:

a) Chi phí hợp lý cho người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị bao gồm: tiền tàu, xe đi lại, tiền thuê nhà trọ theo giá trung bình ở địa phương nơi người bị thiệt hại điều trị (nếu có);

b) Thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị (được xác định như đối với người bị thiệt hại về thu nhập thực tế bị mất);

c) Trường hợp người bị thiệt hại mất khả năng lao động và phải có người thường xuyên chăm sóc thì chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại được xác định là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại nơi người bị thiệt hại cư trú cho 01 ngày chăm sóc người bị thiệt hại.

Mức bù đắp tổn thất về tinh thần: Ngoài các khoản bồi thường thiệt hại ở trên, người gây ra thiệt hại còn phải chịu một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (Từ ngày 1.7.2024, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng). Như vậy, nếu trường hợp các bên không thỏa thuận được, Tòa án sẽ quyết định một mức bù đắp tổn thất về tinh thần tương ứng với mức độ tổn hại về sức khỏe, nhưng không vướt quá 50 lần mức lương cơ sở.

2.2 Bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm hại: 

Căn cứ quy định tại Điều 589 Bộ luật Dân sự năm 2015 về các khoản bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm như sau:

  • Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng: Đối với tài sản bị hư hỏng, thiệt hại là chi phí sửa chửa, khôi phục lại tình trạng tài sản trước khi bị hư hỏng theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết bồi thường để xác định thiệt hại. Nếu tài sản bị hư hỏng không thể sửa chữa, khôi phục thì thiệt hại được xác định bằng giá trị tài sản bị hủy hoại, hư hỏng căn cứ vào giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tác dụng và mức độ hao mòn của tài sản bị mất, bị hủy hoại tại thời điểm giải quyết bồi thường.
  • Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.
  • Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

Kết luận: Khi xảy ra tai nạn giao thông mà gây ra thiệt hại về sức khỏe, tinh thần và tài sản, các bên nên ưu tiên thỏa thuận với nhau về mức bồi thường. Nếu không thỏa thuận được thì bên bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra Tòa án để giải quyết, khi đó bên yêu cầu bồi thường phải cung cấp các tài liệu, chứng cứ chứng minh về hành vi gây thiệt hại, các loại thiệt hại, mức độ thiệt hại và các hóa đơn, chứng từ, hợp đồng… để chứng minh cho các thiệt hại thực tế.

Ngoài ra, bên gây thiệt hại còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi gây ra.

One thought on “GÂY TAI NẠN GIAO THÔNG PHẢI BỒI THƯỜNG THẾ NÀO?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one