Khi bị người khác xúc phạm, bêu xấu hay đưa ra những thông tin tiêu cực về mình trên mạng xã hội, hầu hết mọi người sẽ rất bức xúc, nóng giận mà đáp trả lại ngay lập tức, thậm chí có thể đưa ra những quyết định sai lầm, làm cho tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Trong các tình huống như vậy, chúng ta cần phải giữ được sự bình tĩnh để suy xét lại sự việc. Hãy đánh giá tình hình một cách khách quan, hãy kiểm tra xem nội dung mà người khác nói về bạn có chính xác không? Nó có gây tổn hại đến bạn như thế nào? Người đăng tải bài viết là ai? Họ có động cơ gì? Mình có lỗi trong sự việc trên hay không?
Nếu những nội dung họ đăng tải không đúng sự thật, gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của bạn thì bạn vẫn có các công cụ pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình. Xin hãy làm theo các hướng dẫn dưới đây:
I/ THU THẬP CHỨNG CỨ:
Thu thập chứng cứ là việc làm vô cùng quan trọng để bạn có căn cứ yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết. Những bài đăng hay bình luận trên mạng xã hội thường chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn, chủ bài đăng có thể gỡ bỏ những nội dung đăng tải bất cứ lúc nào. Vì vậy, khi đọc được những bài đăng, bài viết có nội dung xúc phạm mình, việc cần làm đầu tiên chính là:
1. Chụp màn hình (Screenshot): Chụp màn hình toàn bộ bài viết, bình luận, hình ảnh hoặc video có liên quan đến việc “bốc phốt”, bêu xấu hay xúc phạm. Đảm bảo rằng các chi tiết quan trọng như ngày giờ đăng tải, tên tài khoản, và số lượng tương tác (like, share, comment) đều được ghi lại rõ ràng, chụp lại các lần chỉnh sửa (Nếu có).
2. Lưu lại liên kết: Sao chép và lưu lại liên kết (URL) của các bình luận, nội dung quan trọng, giúp bạn có thể dễ dàng truy cập lại để xem khi cần thiết.
3. Lập vi bằng: Bạn hãy đến Văn phòng thừa phát lại gần nhất để lập vi bằng ghi nhận lại toàn bộ sự kiện đăng tải bài viết, bình luận, hình ảnh hoặc video với nội dung tiêu cực về bạn. Nếu sau này chủ bài đăng đã gỡ bỏ những nội dung đó trên mạng xã hội thì bạn vẫn có thể cung cấp vi bằng cho cơ quan chức năng để làm bằng chứng về sự kiện xúc phạm trên.
4. Thu thập các thông tin cá nhân của người đăng tải: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, số căn cước công dân (nếu có), địa chỉ cư trú, số điện thoại… Đây là các thông tin phục vụ cho việc làm đơn từ tố cáo cũng như thông tin cung cấp cho cơ quan chức năng để liên hệ người đăng tải xác minh nội dung sự việc.
II/ TỐ CÁO SỰ VIỆC ĐẾN CƠ QUAN CHỨC NĂNG:
1. Chuẩn bị hồ sơ tố cáo:
Thành phần hồ sơ đơn tố cáo gồm có:
1. Đơn tố cáo: Trong đó có nêu thông tin cá nhân của người bị tố cáo, chi tiết nội dung sự việc tố cáo và yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết những vấn đề gì.
2. Căn cước công dân của người tố cáo (Bản sao công chứng);
3. Vi bằng có nội dung ghi nhận sự kiện đăng tải các bài viết, bình luận, hình ảnh, video trên mạng xã hội;
4. Lời khai của nhân chứng, các tài liệu, chứng cứ khác (Nếu có).
2. Nộp hồ sơ tố cáo đến cơ quan chức năng:
Bạn có thể nộp đơn tố cáo tại một trong số các cơ quan sau:
– Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh (cấp huyện);
– Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
– Công an xã, phường, thị trấn (gọi chung là công an cấp xã);
Ngoài ra bạn cũng có thể nộp đơn tố cáo đến Sở Thông tin và truyền thông nơi người bị tố cáo đang cư trú để xử lý hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc sử dụng không gian mạng.
3. Xử phạt thế nào?
Hành vi xúc phạm, bêu xấu người khác trên mạng xã hội, gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.
Nếu muốn biết chi tiết về các mức xử phạt thì bạn có thể tham khảo bài viết sau: Bốc phốt người khác trên mạng bị xử phạt thế nào? – Luật sư hỏi đáp (luatsuhoidap.com)
III/ KẾT LUẬN:
Việc thu thập chứng cứ khi bị người khác bêu xấu, xúc phạm trên mạng xã hội là quá trình cần thiết để bảo vệ quyền lợi và danh dự của bản thân. Hãy thực hiện theo trình tự các bước trên một cách có kế hoạch để vụ việc của bạn được cơ quan chức năng tiếp nhận, giải quyết một cách văn minh và đúng pháp luật.
Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích được cho bạn, trân trọng!
Pingback: Hướng dẫn thủ tục khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm - Luật sư hỏi đáp