Một vụ án đáng chú ý vừa được đưa ra xét xử tại Kiên Giang, khi Lê Văn Hồng Chinh – cựu thẩm phán TAND huyện Giồng Riềng – bị tuyên phạt 3 năm tù vì hành vi nhận hối lộ trong quá trình giải quyết một vụ án hôn nhân gia đình.
Từ “hành luật” sang “hành tiền”
Theo hồ sơ vụ án, trong quá trình xử lý vụ án tranh chấp phân chia tài sản chung sau ly hôn giữa bà L.K.H. và ông N.V.Đ., thay vì thực hiện nhiệm vụ một cách công tâm và đúng theo quy định của luật tố tụng, ông Chinh đã tìm cách kéo dài thời gian giải quyết vụ việc, gây khó dễ để buộc nguyên đơn phải đưa tiền mới được xử lý nhanh chóng.
Ban đầu, ông ta yêu cầu bà H. đưa 70 triệu đồng, ứng trước 10 triệu để “xử lý công việc”. Bà H. đã đồng ý.
Đến ngày 24/08/2024, bà H. đến nhà riêng để gặp và đưa ông Chinh 20 triệu đồng. Khi bà H. hẹn đưa thêm 30 triệu đồng thì ông Chinh nói: “Thứ ba hãy đưa, nhắm xử được thì hãy đưa thêm nữa… Tôi nói được rồi thì chị gửi thêm”.
Đến hồi 13h ngày 12/09/2024, theo đúng ngày hẹn, bà H. đến nhà đưa ông Chinh thêm 30 triệu đồng. Sau khi ông Chinh nhận tiền thì bị Tổ công tác của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao bắt quả tang cùng tang vật.
Quá trình điều tra, bà H. đã khai từ tháng 12/2022 đến tháng 3/2023 đã đưa cho ông Chinh tổng cộng là 55 triệu đồng.
Thời điểm bị bắt, ông Chinh chối tội. Tuy nhiên từ những chứng cứ thu thập được, cơ quan điều tra xác định ông Chinh có hành vi nhận hối lộ.
Dù ban đầu phủ nhận, nhưng trước những chứng cứ rõ ràng, cựu thẩm phán này không thể chối cãi. Hội đồng xét xử nhận định hành vi của bị cáo gây dư luận xấu đến hoạt động bình thường của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng; xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước nên cần phải xử phạt nghiêm khắc để có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung.
Quan điểm pháp lý của Luật sư đối với vụ việc
Qua theo dõi vụ án trên, Luật sư Ngô Tấn Linh (Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Bình) nhận định: “Đây là vụ án điển hình về tội Nhận hối lộ theo Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015. Với vai trò là người tiến hành tố tụng, thẩm phán phải giữ gìn sự công minh, liêm chính. Tuy nhiên, bị cáo đã lợi dụng chức vụ để trục lợi cá nhân, làm sai lệch giá trị cốt lõi của nghề thẩm phán – đó là công lý.
Án phạt 3 năm tù đối với ông Chinh cho thấy sự nghiêm khắc của pháp luật, nhưng cũng đặt ra vấn đề về cơ chế giám sát trong ngành tư pháp. Nếu không có sự phát hiện kịp thời của cơ quan điều tra, có lẽ hành vi sai trái này sẽ còn tiếp diễn, gây thiệt hại không chỉ cho đương sự mà còn ảnh hưởng đến cả hệ thống tư pháp.
Đây là bài học lớn không chỉ cho riêng ông Chinh mà còn cho tất cả những người đang thực thi pháp luật. Một khi đã ngồi trên ‘chiếc ghế công lý’, mỗi quyết định đưa ra không thể bị chi phối bởi đồng tiền hay lợi ích cá nhân”.