Tội vận chuyển trái phép chất ma túy

Tội vận chuyển trái phép chất ma túy là một trong các tội phạm thuộc nhóm các tội phạm về ma túy được quy định tại Chương XX Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, tội này có các hành vi nằm trong chuỗi hoạt động phức tạp của các tổ chức tội phạm, nhằm đưa ma túy tới tay người dùng. Vậy để làm sao nhận diện tội phạm này so với các loại tội phạm khác và các chế tài hiện hành đối với tội phạm này ra sao? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cái nhìn sâu hơn về vấn đề này.

I/ ĐỊNH NGHĨA TỘI VẬN CHUYỂN TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY:

Bộ luật Hình sự hiện hành không có định nghĩa thế nào là tội vận chuyển trái phép chất ma túy, tuy nhiên căn cứ theo điểm 3.2 khoản 3 Mục II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24 tháng 12 năm 2007 quy định như sau:

* Vận chuyển trái phép chất ma túy là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp chất ma túy từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào. Các hình thức vận chuyển có thể là:

– Việc vận chuyển có thể bằng các phương tiện khác nhau như ô tô, tàu bay, tàu thủy…; trên các tuyến đường khác nhau như đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bưu điện…

– Việc vận chuyển trái phép chất ma túy có thể để trong người như cho vào túi áo, túi quần, nuốt vào trong bụng, để trong hành lý như vali, túi xách… mà không nhằm mục đích mua bán, tàng trữ hay sản xuất trái phép chất ma túy khác.

* Người giữ hộ, hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy cho người khác, mà biết rõ mục đích mua bán trái phép chất ma túy của người đó, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy với vai trò đồng phạm.

II/ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT:

Điều 250 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:

1. Người nào vận chuyển trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 249, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;

c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;

d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;

đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;

e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;

g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;

h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;

i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;

e) Qua biên giới;

g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;

h) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;

i) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;

k) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;

l) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;

m) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;

n) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;

o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm g đến điểm n khoản này;

p) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;

b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;

c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;

d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;

đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;

e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;

g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;

h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;

b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;

c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;

d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;

đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;

e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;

g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;

h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

III/ PHÂN TÍCH CẤU THÀNH TỘI PHẠM:

1. Mặt khách quan:

a. Về hành vi khách quan:

Hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy được hiểu là việc mang, vác, chở hoặc sử dụng các phương tiện khác (ô tô, xe máy, tàu, thuyền, máy bay…) để di chuyển các chất ma túy từ nơi này đến nơi khác mà không có sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Hành vi này có thể được thực hiện công khai hoặc bí mật, miễn là không có giấy tờ hợp pháp cho việc vận chuyển.

b. Công cụ, phương tiện thực hiện:

Tội phạm có thể sử dụng nhiều loại phương tiện vận chuyển khác nhau như các phương tiện giao thông cá nhân (ô tô, xe máy, xe đạp, xe đạp điện…) hoặc công cộng (xe bus, tàu hỏa…). Ngoài ra người phạm tội không nhất thiết phải sử dụng các phương tiện giao thông để vận chuyển chất ma túy, người phạm tội mang, vác chất ma túy khi đang đi bộ vẫn được xem là chuyển dịch chất ma túy từ nơi này đến nơi khác.

c. Vật chứng:

Chất ma túy trong các vụ án vận chuyển thường được đóng gói và giấu trong các vật dụng như hành lý, vali, túi xách, xe cộ, túi quần túi áo hoặc người vận chuyển có thể nuốt vào bụng để tránh bị kiểm tra. Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 quy định chất ma túy là chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong danh mục chất ma túy do Chính phủ ban hành. Các loại ma túy thường thấy gồm heroine, cocaine, cần sa, ma túy tổng hợp, và các chất ma túy khác…

d. Hậu quả:

Hành vi vận chuyển chất ma túy trái phép gây ra hậu quả trực tiếp là sự lưu thông của ma túy trong xã hội, gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng và làm gia tăng các tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, tội này là cấu thành tội phạm hình thức, tức là không nhất thiết phải có hậu quả thực tế (ví dụ: gây nghiện, lây lan tệ nạn…) xảy ra mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi vận chuyển trái phép chỉ cần được thực hiện mà không có giấy phép là đã cấu thành tội phạm rồi. Vì vậy hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc nhưng Luật sư vẫn đưa ra để cho bạn có cái hiểu sâu sắc hơn về loại tội phạm này.

e. Yếu tố khác biệt so với các tội liên quan đến ma túy khác:

  • Tội vận chuyển trái phép chất ma túy có hành vi khách quan khác với các tội khác như Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249) hay Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251). Tội này chủ yếu xét đến hành vi vận chuyển qua lại, có thể giữa các địa điểm khác nhau ở trong nước, từ nước ngoài vào Việt Nam hoặc từ Việt Nam ra nước ngoài. Đây là yếu tố quan trọng để nhận diện tội này so với các tội khác.
  • Người thực hiện hành vi vận chuyển không nhất thiết là người sở hữu, sử dụng hoặc mua bán chất ma túy mà có thể chỉ là người thực hiện việc di chuyển ma túy theo sự chỉ đạo hoặc vì mục đích kiếm lợi từ việc vận chuyển.

2. Mặt chủ quan:

a. Lỗi cố ý:

  • Tội vận chuyển trái phép chất ma túy là tội phạm có lỗi cố ý, thường là cố ý trực tiếp (Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017). Người phạm tội biết rõ hành vi vận chuyển chất ma túy là vi phạm pháp luật nhưng vẫn thực hiện hành vi với mục đích nhất định. Trong trường hợp cố ý trực tiếp, người phạm tội nhận thức rõ được tính nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn thực hiện để đạt được mục đích của mình (chẳng hạn vận chuyển ma túy để nhận thù lao, hoặc giúp đỡ người khác vì lợi ích cá nhân).
  • Trong một số ít trường hợp, tội phạm có thể phạm tội dưới dạng cố ý gián tiếp (Theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017), tức là người phạm tội nhận thức được hành vi vận chuyển của mình có thể gây hậu quả nghiêm trọng (lưu thông ma túy, gây ra tác hại cho xã hội), tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Tuy nhiên, tình huống này thường hiếm gặp vì hành vi vận chuyển chất ma túy thường gắn với lợi ích cụ thể mà người phạm tội mong muốn đạt được.
  • Tội vận chuyển trái phép chất ma túy chỉ có thể cấu thành khi người phạm tội có lỗi cố ý, không thể có lỗi vô ý. Nếu hành vi vận chuyển được thực hiện do vô ý hoặc do sự nhầm lẫn hoàn toàn về tính chất của hàng hóa thì người đó sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.
  • Trường hợp nhầm lẫn hoặc không biết: Nếu người vận chuyển không biết hoặc nhầm lẫn về bản chất của hàng hóa mình vận chuyển (ví dụ, họ bị lừa vận chuyển ma túy mà không hay biết) thì lỗi không tồn tại và họ không phải chịu trách nhiệm hình sự (Trường hợp này cần có các bằng chứng chứng minh họ thực sự không biết mình đang vận chuyển ma túy). Ngược lại, nếu người vận chuyển đã được thông báo hoặc có lý do nghi ngờ nhưng vẫn cố tình thực hiện, họ sẽ bị coi là phạm tội với lỗi cố ý.

b. Động cơ phạm tội:

  • Động cơ chủ yếu của hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy là vì lợi ích vật chất. Người phạm tội thường thực hiện hành vi này để kiếm tiền, nhận thù lao, hoa hồng hoặc lợi ích khác từ việc vận chuyển ma túy từ nơi này đến nơi khác.
  • Động cơ khác có thể là giúp đỡ người thân, bạn bè, người quen biết trong trường hợp họ yêu cầu, nhưng dù động cơ gì, hành vi vận chuyển vẫn bị coi là vi phạm pháp luật nếu không có sự cho phép từ cơ quan chức năng. Tuy nhiên, động cơ này có thể được xem xét khi đánh giá mức độ nguy hiểm của hành vi với vai trò không đáng kể trong việc định lượng hình phạt.

c. Mục đích phạm tội:

  • Mục đích của người phạm tội trong tội vận chuyển trái phép chất ma túy thường là đạt được lợi ích kinh tế. Phần lớn các trường hợp, người phạm tội mong muốn nhận được một khoản tiền thù lao hoặc phần lợi ích vật chất khác thông qua việc vận chuyển ma túy cho các đối tượng khác.
  • Trong một số trường hợp, mục đích có thể là giúp đỡ người khác (ví dụ như người thân, bạn bè), nhưng dù mục đích gì, hành vi vẫn bị coi là vi phạm.

3. Khách thể:

  • Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ mà hành vi phạm tội xâm phạm đến. Đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy, hành vi phạm tội xâm phạm trực tiếp đến là an ninh công cộng, trật tự an toàn xã hội và sức khỏe cộng đồng.
  • An ninh công cộng và trật tự an toàn xã hội: Việc vận chuyển trái phép chất ma túy làm gia tăng nguy cơ buôn bán, tiêu thụ và sử dụng chất ma túy trong xã hội, dẫn đến các hệ lụy nghiêm trọng như gia tăng tội phạm, mất an ninh trật tự và các tệ nạn xã hội khác. Hành vi này tạo ra những thách thức lớn trong việc kiểm soát ma túy.
  • Sức khỏe cộng đồng: Ma túy là chất gây nghiện nguy hiểm, có thể gây ra sự suy thoái sức khỏe cho người sử dụng và làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh tật liên quan. Vận chuyển trái phép chất ma túy tạo điều kiện cho ma túy lưu thông và thâm nhập vào xã hội, đặc biệt là đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên, gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.

4. Chủ thể:

Chủ thể của tội phạm là người thực hiện hành vi phạm tội và phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi theo quy định của pháp luật. Chủ thể của tội vận chuyển trái phép chất ma túy là bất kỳ cá nhân nào, có đủ điều kiện về năng lực trách nhiệm hình sựđộ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

a. Năng lực trách nhiệm hình sự:

Năng lực trách nhiệm hình sự là khả năng của một cá nhân hiểu biết và điều khiển hành vi của mình, từ đó có thể nhận thức được hậu quả pháp lý của hành vi mà họ thực hiện. Người phạm tội phải là người không mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, tự chủ hành vi của mình. Pháp luật Việt Nam dựa vào 02 tiêu chuẩn để xác định năng lực trách nhiệm hình sự đó là tiêu chuẩn y học và tiêu chuẩn tâm lý. Theo tiêu chuẩn y học, người phạm tội phải là người không đang trong thời kỳ mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh tật khác làm mất khả năng nhận thức, tự chủ hành vi của mình. Theo tiêu chuẩn tâm lý, người phạm tội phải là người nhận thức và tự chủ được hành vi của mình, hiểu được bản chất và hậu quả của hành vi, tự điều khiển được hành vi của mình.

b. Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự:

Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:

  • Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm;
  • Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy người từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Tội này được xác định là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng từ khung 2 trở đi).

c. Trường hợp chủ thể đặc biệt:

  • Người nước ngoài: Nếu người nước ngoài thực hiện hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy trên lãnh thổ Việt Nam thì họ cũng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam. Họ có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc bị trục xuất về nước tùy theo từng trường hợp cụ thể và thỏa thuận quốc tế giữa Việt Nam và nước mà người đó có quốc tịch.
  • Người có chức vụ, quyền hạn: Nếu người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tình tiết tăng nặng.

Thông qua việc phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm như mặt khách quan, mặt chủ quan, khách thể và chủ thể, có thể thấy rõ tính nguy hiểm của hành vi này không chỉ nằm ở việc vi phạm pháp luật mà còn ở khả năng tạo điều kiện cho ma túy thâm nhập và lan rộng trong xã hội. Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định những hình phạt nghiêm khắc đối với hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy, nhằm bảo vệ trật tự xã hội và sức khỏe của người dân. Việc hiểu rõ và tuân thủ các quy định pháp luật liên quan là điều cần thiết để phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm ma túy, đồng thời góp phần duy trì một xã hội lành mạnh và phát triển bền vững.

Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích được cho các bạn, nếu có thắc mắc gì vui lòng liên hệ với Luật sư: LUẬT SƯ GIỎI TẠI TỈNH QUẢNG BÌNH – Luật sư hỏi đáp (luatsuhoidap.com)

One thought on “Tội vận chuyển trái phép chất ma túy

  1. Pingback: Các loại tội phạm phổ biến về ma túy - Luật sư hỏi đáp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one