Xử phạt người cố ý gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

Khi con người sống trong một xã hội văn minh, quyền được bảo vệ về thân thể, sức khỏe, tín mạng là một trong những giá trị cốt lõi cần được tôn trọng tuyệt đối. Thế nhưng, không ít trường hợp vì những mâu thuẫn cá nhân, một phút thiếu kiềm chế, một số người đã cố ý gây thương tích, gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người khác. Hành vi này không chỉ vi phạm đạo đức xã hội mà còn phải đối mắt với chế tài nghiêm khắc từ pháp luật, nhằm đảm bảo sự công bằng và an toàn cho cộng đồng. Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu các hình thức xử lý đối với người có hành vi cố ý gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe của người khác:

I. XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH:

Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 về xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm trật tự công cộng như sau:

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc công cụ, đồ vật, phương tiện khác có khả năng sát thương;

c) Quay phim, chụp ảnh, vẽ sơ đồ địa điểm cấm, khu vực cấm liên quan đến quốc phòng, an ninh;

d) Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

đ) Sàm sỡ, quấy rối tình dục;

e) Khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng;

g) Thực hiện thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ có chủng loại hoặc chất lượng không phù hợp với loại sản phẩm đã đăng ký theo giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp;

h) Sử dụng tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ phóng, bắn, thả từ trên không các loại vật, chất gây hại hoặc chứa đựng nguy cơ gây hại khi không được phép.

Như vậy, người nào có hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

Lưu ý: Mức phạt tiền trên là áp dụng đối với cá nhân, đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021).

II. TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ:

Căn cứ theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác:

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ) Có tổ chức;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

i) Có tính chất côn đồ;

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Làm chết 02 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Như vậy, người nào có hành vi cố ý gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà bị hại chịu tổn thương cơ thể với tỷ lệ từ 11% trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể của bị hại dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự, ví dụ như có sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, phạm tội có tổ chức, có tính chất côn đồ…

Loại tội phạm này có mức hình phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, mức hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

III. BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI:

Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm còn phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho bị hại, bao gồm:

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm:

Căn cứ Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì những khoản bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm;

  •  Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại: Người bị thiệt hại phải cung cấp hồ sơ bệnh án, các hóa đơn chứng từ liên quan đến chi phí điều trị, viện phí, tiền thuốc men… để chứng minh cho các khoản tiền điều trị.
  • Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại còn bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
  • Các khoản thiệt hại khác: Đây là các khoản thiệt hại ngoài những thiệt hại ở trên, nhưng phải là thiệt hại có nguyên nhân xuất phát từ hành vi của người gây ra thiệt hại. Người yêu cầu bồi thường phải cung cấp cho Tòa án các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho khoản thiệt hại này.

Nghị quyết hướng dẫn: Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP (có hiệu lực từ ngày 01/01/2023) hướng dẫn việc xác định thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như sau:

  • Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm:

a) Chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh cho người bị thiệt hại; thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đến cơ sở khám chữa bệnh và trở về nơi ở;

b) Chi phí bồi dưỡng sức khỏe cho người bị thiệt hại được xác định là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho 01 ngày khám bệnh, chữa bệnh theo số ngày trong hồ sơ bệnh án;

c) Chi phí phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút là các chi phí cho việc phục hồi, hỗ trợ, thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại.

  • Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại được xác định như sau:

a) Trường hợp người bị thiệt hại có thu nhập ổn định từ tiền lương, tiền công thì được xác định theo mức tiền lương, tiền công của người bị thiệt hại trong khoảng thời gian tiền lương, tiền công bị mất hoặc bị giảm sút;

b) Trường hợp người bị thiệt hại có thu nhập không ổn định từ tiền lương, tiền công được xác định căn cứ vào mức tiền lương, tiền công trung bình của 03 tháng liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra. Trường hợp không xác định được 03 tháng lương liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra thì căn cứ vào thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương trong khoảng thời gian thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Nếu không xác định được thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương thì thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút được bồi thường là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại nơi người bị thiệt hại cư trú cho 01 ngày bị thiệt hại.

Ngày lương tối thiểu vùng được xác định là 01 tháng lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định chia cho 26 ngày.

  • Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại được xác định như sau:

a) Chi phí hợp lý cho người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị bao gồm: tiền tàu, xe đi lại, tiền thuê nhà trọ theo giá trung bình ở địa phương nơi người bị thiệt hại điều trị (nếu có);

b) Thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị (được xác định như đối với người bị thiệt hại về thu nhập thực tế bị mất);

c) Trường hợp người bị thiệt hại mất khả năng lao động và phải có người thường xuyên chăm sóc thì chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại được xác định là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại nơi người bị thiệt hại cư trú cho 01 ngày chăm sóc người bị thiệt hại.

Mức bù đắp tổn thất về tinh thần: Ngoài các khoản bồi thường thiệt hại ở trên, người gây ra thiệt hại còn phải chịu một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (Từ ngày 1.7.2024, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng). Như vậy, nếu trường hợp các bên không thỏa thuận được, Tòa án sẽ quyết định một mức bù đắp tổn thất về tinh thần tương ứng với mức độ tổn hại về sức khỏe, nhưng không vướt quá 50 lần mức lương cơ sở.

2. Thiệt hại về tài sản (Nếu có):

Căn cứ quy định tại Điều 589 Bộ luật Dân sự năm 2015 về các khoản bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm như sau:

  • Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng: Đối với tài sản bị hư hỏng, thiệt hại là chi phí sửa chửa, khôi phục lại tình trạng tài sản trước khi bị hư hỏng theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết bồi thường để xác định thiệt hại. Nếu tài sản bị hư hỏng không thể sửa chữa, khôi phục thì thiệt hại được xác định bằng giá trị tài sản bị hủy hoại, hư hỏng căn cứ vào giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tác dụng và mức độ hao mòn của tài sản bị mất, bị hủy hoại tại thời điểm giải quyết bồi thường.
  • Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.
  • Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

Kết luận: Để bảo vệ quyền lợi và sự an toàn của mọi cá nhân trong xã hội, việc xử lý nghiêm minh các hành vi cố ý gây thương tích, tổn hại sức khỏe là vô cùng cần thiết. Pháp luật không chỉ đặt ra những mức phạt nhằm mang tính răn đe mà còn thể hiện sự công bằng và bảo vệ quyền con người. Mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức, tránh những hành vi xâm phạm sức khỏe người khác, từ đó góp phần xây dựng một xã hội văn minh, an toàn hơn.

 

One thought on “Xử phạt người cố ý gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

  1. Pingback: Các bước tự bảo vệ mình khi bị người khác cố ý gây thương tích - Luật sư giỏi Quảng Bình

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one