Bị giật hụi, cần làm gì để lấy lại tiền?

Rate this post

Giật hụi (hay còn gọi là bể hụi, vỡ hụi) là tình huống không còn xa lạ trong xã hội Việt Nam. Đây là tình trạng xảy ra khi chủ hụi (hoặc các thành viên tham gia) không thực hiện nghĩa vụ trả tiền, góp hụi hoặc làm mất khả năng thanh toán, dẫn đến hậu quả là người chơi hụi không thể nhận lại tiền hụi đã góp. Vậy trong trường hợp bị giật hụi, người bị hại cần làm gì để đòi lại tiền một cách hợp pháp và hiệu quả?

1. Hiểu rõ về hụi và các quy định pháp luật liên quan:

Hụi (hay còn gọi là họ) là một hình thức huy động vốn dân sự, trong đó một nhóm người cùng đóng góp tài chính theo định kỳ và lần lượt nhận lại số tiền đó trong các kỳ mở hụi. Pháp luật Việt Nam có quy định về hụi trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và một số quy định liên quan khác, cụ thể:

1.1 Định nghĩa về hụi:

Điều 471 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

Điều 471. Họ, hụi, biêu, phường

1. Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.

2. Việc tổ chức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp việc tổ chức họ có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ luật này.

4. Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.

Điều 4 Nghị định số 19/2019/NĐ – CP ngày 19 tháng 02 năm 2019 về họ, hụi, biêu, phường quy định như sau:

1. Dây họ là một họ hình thành trên cơ sở thỏa thuận cụ thể của những người tham gia họ về thời gian, phần họ, thể thức góp họ, lĩnh họ, quyền, nghĩa vụ của chủ họ (nếu có) và các thành viên.

2. Thành viên là người tham gia dây họ, góp phần họ, được lĩnh họ và trả lãi (nếu có).

3. Chủ họ là người tổ chức, quản lý dây họ, thu các phần họ và giao các phần họ đó cho thành viên được lĩnh họ trong mỗi kỳ mở họ cho tới khi kết thúc dây họ. Chủ họ có thể đồng thời là thành viên của dây họ.

4. Phần họ là số tiền hoặc tài sản khác (sau đây gọi là tiền) được xác định theo thoả thuận mà mỗi thành viên phải góp tại mỗi kỳ mở họ.

5. Kỳ mở họ là thời điểm được xác định theo thoả thuận của những người tham gia dây họ mà tại thời điểm đó các thành viên góp phần họ và có thành viên được lĩnh họ.

6. Họ không có lãi là họ mà thành viên được lĩnh họ nhận các phần họ khi đến kỳ mở họ và không phải trả lãi cho các thành viên khác.

7. Họ có lãi là họ mà thành viên được lĩnh họ nhận các phần họ khi đến kỳ mở họ và phải trả lãi cho các thành viên khác.

8. Họ hưởng hoa hồng là họ có lãi hoặc họ không có lãi mà thành viên được lĩnh họ phải trả một khoản hoa hồng cho chủ họ theo mức do những người tham gia dây họ thỏa thuận.

1.2 Quy định về hụi:

Nghị định số 19/2019/NĐ – CP ngày 19 tháng 02 năm 2019 về họ, hụi, biêu, phường quy định như sau:

– Thỏa thuận về dây họ được thể hiện bằng văn bản. Văn bản thỏa thuận về dây họ được công chứng, chứng thực nếu những người tham gia dây họ yêu cầu.

– Chủ họ phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây họ khi thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Tổ chức dây họ có giá trị các phần họ tại một kỳ mở họ từ 100 triệu đồng trở lên.
  • Tổ chức từ hai dây họ trở lên.

– Chủ họ có trách nhiệm thu phần họ của các thành viên, giao các phần họ cho thành viên lĩnh họ tại mỗi kỳ mở họ; Nộp thay phần họ của thành viên nếu đến kỳ mở họ mà có thành viên không góp phần họ; Đồng thời chủ họ có quyền yêu cầu thành viên không góp phần họ của mình phải trả phần họ trong trường hợp chủ họ đã góp thay cho thành viên đó.

– Hụi viên có trách nhiệm góp phần họ theo thỏa thuận; Được lĩnh họ trước các thành viên khác theo thỏa thuận và tiếp tục góp các phần họ để các thành viên khác được lĩnh cho đến khi thành viên cuối cùng lĩnh họ.

Lưu ý: Không được tổ chức họ để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác.

2. Cần làm gì khi bị giật hụi?

Nếu bạn rơi vào trường hợp bị giật hụi, hãy thực hiện các bước sau để bảo vệ quyền lợi của mình:

2.1. Thu thập chứng cứ:

Đầu tiên, việc thu thập các chứng cứ là rất quan trọng. Bạn cần có các bằng chứng để chứng minh rằng mình đã tham gia hụi và chủ hụi không trả tiền đúng hạn hoặc đã có hành vi chiếm đoạt. Các loại chứng cứ bao gồm:

  • Hợp đồng hụi, văn bản thỏa thuận về hụi, sổ hụi, bảng danh sách thành viên trong hụi…
  • Biên nhận tiền hụi
  • Tin nhắn, email, ghi âm, video, sao kê tài khoản ngân hàng về việc giao nhận tiền hoặc các thỏa thuận liên quan
  • Nhân chứng: Người cùng tham gia hụi có thể làm chứng cho việc bạn đã đóng tiền hoặc chủ hụi có hành vi gian lận.

2.2. Thương lượng và hòa giải:

Sau khi thu thập đủ chứng cứ, bước tiếp theo là thương lượng với chủ hụi. Bạn có thể yêu cầu họ trả lại tiền đã đóng góp hoặc giải quyết vụ việc theo cách hòa giải, tránh những tranh chấp phức tạp.

  • Thương lượng là bước đầu tiên cần làm, có thể tiến hành qua lời nói hoặc văn bản.
  • Hòa giải: Nếu việc thương lượng không thành công, bạn có thể nhờ đến các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương hỗ trợ để tiến hành hòa giải. Điều này giúp giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng và giảm bớt chi phí.

2.3. Khởi kiện ra Tòa án:

Nếu thương lượng và hòa giải không đạt được kết quả, bạn có thể tiến hành khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người giật hụi (thường là chủ hụi) cư trú. Để khởi kiện, bạn cần chuẩn bị:

  • Đơn khởi kiện: Trình bày rõ ràng về vụ việc, yêu cầu tòa án buộc chủ hụi trả lại tiền.
  • Chứng cứ: Cung cấp các bằng chứng đã thu thập để chứng minh mình bị giật hụi.
  • Các loại giấy tờ cá nhân: Bản sao công chứng căn cước công dân, xác nhân thông tin về cư trú.
  • Chuẩn bị tiền tạm ứng án phí: Người khởi kiện cần nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định của pháp luật trước khi Tòa thụ lý vụ án để giải quyết.

Tòa án sẽ dựa trên các quy định về hợp đồng và trách nhiệm dân sự để giải quyết vụ việc. Chủ hụi nếu bị tòa án xác định vi phạm, sẽ phải hoàn trả lại số tiền hụi cho các thành viên tham gia và có thể bị phạt vi phạm hợp đồng (Nếu các thành viên có thỏa thuận về phạt vi phạm).

2.4. Tố giác tội phạm (nếu có dấu hiệu lừa đảo):

Trong một số trường hợp, chủ hụi có thể không chỉ vi phạm hợp đồng dân sự mà còn có hành vi chiếm đoạt tài sản. Chủ hui có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong hai tội sau đây:

  • Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), nếu có đủ căn cứ chứng minh chủ hụi có hành vi gian dối, lợi dụng uy tín, sự tin tưởng để chiếm đoạt tiền của các thành viên.
  • Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), nếu chủ hụi ban đầu nhận được tiền một cách hợp pháp nhưng sau đó đã có ý chiếm đoạt số tiền hụi của các thành viên khác, mặc dù có điều kiện trả tiền nhưng không trả và có dấu hiệu bỏ trốn.

Bạn có thể nộp đơn tố cáo tội phạm đến Cơ quan Công an hoặc Viện Kiểm sát nhân dân để được điều tra và xử lý theo pháp luật hình sự.

3. Kinh nghiệm phòng tránh giật hụi:

Để tránh rơi vào tình trạng bị giật hụi, dưới đây là một số kinh nghiệm bạn nên lưu ý:

  • Chọn nhóm hụi uy tín: Trước khi tham gia, hãy tìm hiểu kỹ về uy tín của chủ hụi và các thành viên khác. Hụi là mối quan hệ tin tưởng, vì vậy cần cân nhắc tham gia nhóm hụi đáng tin cậy.
  • Ký kết hợp đồng rõ ràng: Nếu tham gia hụi với số tiền lớn, hãy lập hợp đồng hụi bằng văn bản, có chữ ký của các bên và các điều khoản chi tiết. Tốt nhất nên yêu cầu công chứng, chứng thực hợp đồng hụi và thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã về việc mở hụi để được kiểm soát.
  • Ghi chép giao dịch cẩn thận: Luôn ghi lại các giao dịch, biên nhận tiền một cách rõ ràng, đầy đủ. Điều này sẽ giúp bạn có chứng cứ khi xảy ra tranh chấp.

4. Kết luận:

Bị giật hụi là một rủi ro có thể xảy ra khi tham gia các hoạt động huy động vốn dân sự. Tuy nhiên, bằng cách nắm vững quyền lợi và nghĩa vụ pháp lý, bạn có thể bảo vệ tài sản của mình và đòi lại tiền một cách hợp pháp. Hãy luôn lưu ý thu thập chứng cứ, thương lượng trước khi khởi kiện, và nếu cần, đừng ngần ngại sử dụng sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi của mình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one